Trước cổng chùa trên đảo Phan Vinh, thứ 2 từ trái qua là Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thứ 3 từ trái qua là ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Doanh nghiệp XD Xuân Trường, đơn vị được cấp phép và phát tâm tôn tạo 9 ngôi chùa trên 9 đảo ở Trường Sa |
Tôi lần đầu biết đến cái tên đảo Phan Vinh hơn 25 năm trước, khi bạn đồng nghiệp vào báo Tiền Phong với tôi cùng một ngày là nhà báo Kiến Nghĩa viết một ghi chép mấy kỳ về việc đi tìm lại các nhân chứng của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trước đó, Kiến Nghĩa may mắn được đi theo nhà văn Nguyên Ngọc trong đoàn làm phim về con đường huyền thoại này. Đoàn đã đi nhiều để tìm và ghi lại câu chuyện của các nhân chứng. Trong ghi chép có những câu xúc động tôi đọc một lần mà sau hơn 25 năm vẫn nhớ đại để: Chúng tôi đã đi suốt dọc biển miền Trung, nhìn vào gương mặt của từng người, từng ngư dân đã gặp, lòng cứ sợ bỏ sót ai đó, quên ai đó...? Và trong một kỳ, Kiến Nghĩa có nói về liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, người thuyền trưởng huyền thoại, anh hùng đường Hồ Chí Minh trên biển mà tên được đồng đội và ngư dân đặt cho một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa.
Anh hùng Nguyễn Phan Vinh (Ảnh tư liệu) |
Nguyễn Phan Vinh đã thực hiện 11 chuyến vận chuyển vũ khí thành công bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 1/3/1968, tàu không số mang mật danh C235 dưới sự chỉ huy của anh đến vùng biển ở Hòn Hèo, xã Ninh Phước, huyện Ninh Vân, tỉnh Khánh Hoà thì bị địch phát hiện và bị 7 tàu địch có không quân yểm trợ vây chặt, bắn dữ dội. Nguyễn Phan Vinh đã dũng cảm mưu trí cho thả vũ khí xuống điểm ấn định để lực lượng ta tìm vớt lên sau rồi cho tàu vừa cơ động vừa bắn trả địch quyết liệt để dụ chúng ra xa vị trí thả vũ khí.
Anh có ý định lao xuyên qua đội hình địch để thoát ra vùng biển ngoài nhưng không thành vì máy tàu bị bắn hỏng. Lúc này trong 20 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã có 5 người hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ, trong đó có Nguyễn Phan Vinh. Anh lệnh cho tất cả anh em đưa người hy sinh và bị thương vào bờ, anh là người rời tàu cuối cùng và điểm hoả khối thuốc nổ lớn để huỷ tàu. Sức công phá cực mạnh của vụ nổ đã xé con tàu ra làm đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa bị hất tung lên mấy chục mét lên vách đá sát bờ, hiện vẫn còn mắc lại ở đó (ở khu vực này giờ đã mọc lên một đài tưởng niệm, một ngôi chùa).
Lên bờ, bị địch truy theo ráo riết, Nguyễn Phan Vinh ra lệnh cho những người còn sống rút, anh và một chiến sĩ ở lại chặn hậu, chiến đấu anh dũng, đánh lui hàng chục đợt xông tới của địch cho đến lúc hết đạn và hy sinh. Nguyễn Phan Vinh và 12 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đấu mà sau đó tạp chí Lướt sóng của Hải quân Quân đội chế độ Sài Gòn viết là “đã đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt...”. Bảy người còn lại thì 1 người bị địch bắt, 6 người bắt được liên lạc với du kích sau 12 ngày bị địch truy đuổi...?
Bốn năm trước, dịp kỷ niệm 50 năm trận chiến đấu oai hùng cuối cùng (1/3/1968 - 1/3/2018) của tàu không số mang mật C235, báo Tiền Phong đã phối hợp với Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển và Học viện Hải quân tổ chức một loạt hoạt động lớn.
Lần đó, chúng tôi đã tìm lại tất cả các cựu binh tàu C235 còn sống, tôi là tổng biên tập báo dẫn đầu đoàn đại biểu đến nhà thăm từng người. Chúng tôi cũng tìm lại gia đình của các liệt sĩ và những cựu binh đã mất, mời nhiều đại diện vào Nha Trang, cùng chúng tôi làm lễ tưởng niệm trang trọng ở Hòn Hèo, nơi diễn ra trận chiến; tổ chức giao lưu giữa họ và các lãnh đạo Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển với các chiến sĩ du kích và cơ sở cách mạng địa phương đã nuôi giấu bảo vệ các chiến sĩ tàu C235 còn sống ngày xưa cùng 400 bạn trẻ là học viên Học viện Hải quân và đoàn viên, thanh niên của tỉnh Khánh Hoà trong một chương trình rất xúc động mang tên “Tổ quốc mãi gọi tên” mà trong đó tôi trực tiếp dẫn chương trình cùng với một nữ biên tập viên của Đài Truyền hình Khánh Hoà.
Khi đó, phát biểu khai mạc tôi đã nói: “Cuộc chiến đấu oai hùng của các anh hùng, liệt sĩ tàu C235 rạng ngày 1/3 năm 1968 là bản hùng ca, là một trong những trang oanh liệt nhất trong lịch sử của Đoàn tàu không số Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại nói riêng và lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam nói chung. Tấm gương chiến đấu mưu trí, anh dũng cho đến hơi thở cuối cùng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và nhiều cán bộ chiến sĩ khác của tàu mãi mãi sáng soi đường cho tuổi trẻ chúng ta.
Tổ quốc trường tồn vì luôn có những những người con anh hùng, trung hậu lớp trước tiếp lớp sau chiến đấu, hy sinh, phấn đấu cống hiến. Tổ quốc luôn ghi nhớ và mãi gọi tên những anh hùng của mình. Và ngày hôm nay, khi đất nước đang đứng trước những nhiệm vụ mới, những người trẻ tuổi chúng ta luôn cảm thấy từ trong tim những khát khao cống hiến. Đó chính bởi Tổ quốc đang gọi tên, thúc giục chúng ta tiến lên phía trước. Để nối tiếp sự nghiệp nghìn năm của cha ông. Để tiếp bước truyền thống của những người anh hùng. Để phấn đấu vì một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, giàu đẹp và hạnh phúc”.
Đảo Phan Vinh xưa có tên là Hòn Sập. Theo một tài liệu thì trong một chuyến công tác tới đây vào tháng 5/1978, Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đề nghị đổi tên đảo thành đảo Phan Vinh.
Sự tích anh hùng của con tàu C 235 và anh hùng Nguyễn Phan Vinh khiến tôi rất háo hức trước cơ hội được lên hòn đảo giữa biển khơi mang tên người anh hùng này.
Xem trên bản đồ quần đảo Trường Sa thì đảo Phan Vinh nằm ở khu vực trung tâm của quần đảo, hơi sa xuống phía Nam một chút, gần đá Tiên Nữ, bãi Tốc Tan, cách nhóm đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông và Đá Tây khoảng 70 - 80 hải lý và cũng cách không xa đảo Gạc Ma.
Đảo Phan Vinh trên bản đồ Trường Sa. (Ảnh từ sách “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam” của Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân) |
Theo cuốn “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DKI)” của Cục Chính trị Quân chủng Hải Quân thì đảo Phan Vinh nằm trên một nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng Đông Bắc - Tây Nam; ở phía Tây của vành san hô có một xác tàu đắm luôn nhô cao hơn mặt nước biển. Trên đảo có cây xanh, lúc thuỷ triều xuống thấp nhất có thể lội bộ từ đảo đến xác tàu đắm. Ở giữa vành đai là một hồ nước sâu. Rìa ngoài của vành san hô ở hướng Bắc và Đông Bắc đến bờ dài khoảng 200 mét, ta xây dựng trên nền san hô đó một nhà lâu bền gọi là đảo Phan Vinh B... Trên đảo (chính) có nhà văn hoá và chùa phục vụ đời sống sinh hoạt của quân dân trên đảo.
Chiều ngày 28/6/2022, con tàu Hải quân HQ571 chở chúng tôi đến gần hòn đảo mơ ước Phan Vinh. Ảnh hưởng của cơn bão số 1, gió cấp 7 - cấp 8, sóng cấp 5 - cấp 6, không thể hạ xuồng để vào bờ được. Tàu neo lại bên ngoài đảo chờ. Trời mưa và gió mạnh không thể lên boong được, chúng tôi đứng đầy ở lan can các tầng tàu để nhìn vào Phan Vinh. Tôi thấy nó hơi giống một con cá dạng như cá đuối thân là phần đảo chính và đuôi là roi cát lớn chạy dài phía sau. Trên đảo có nhiều cây xanh và lấp ló những công trình.
4 ngày sau khi không lên được đảo Phan Vinh, ngày 3/7/2022, khi đoàn đang ở đảo Trường Sa Đông, một chiếc trực thăng đã đáp xuống chở một nhóm đại biểu nhỏ trở lại đảo Phan Vinh. Tiếc là tôi không nằm trong mấy người ít ỏi có nhiệm vụ đặc biệt đó.
Đêm 28/6, nằm trên tàu HQ571, tôi nghe sóng đập rầm rầm vào thân tàu mà sốt ruột sợ mai không thể lên đảo. Sáng 29/6, khi ăn sáng, tôi hỏi thì đại tá Hồ Thanh Hoàn - Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác cho biết là lãnh đạo đoàn rất quyết tâm vào nhưng anh em trong đảo điện ra nói là sóng đánh trùm lên cả bến, không có cách nào cập xuồng vào được.
Đến khoảng 10 giờ sáng, gió và sóng vẫn không có dấu hiệu suy giảm, tàu HQ 571 quyết định nhổ neo rúc còi chào đảo Phan Vinh, tiếp tục hải trình đến đảo Đá Tây cách đó chừng 70 hải lý. Tôi đứng trên lan can tàu, nhìn hòn đảo đang xa dần lòng buồn vô hạn vì không biết có cơ hội trở lại hòn đảo mang tên người anh hùng mà mình vô cùng ngưỡng mộ đó nữa không. Khi đảo đã mờ và khuất dần, tôi xuống phòng mình lên giường nằm viết trên điện thoại bài thơ “Phan Vinh biển động”. Khi xong khổ cuối “Hiên ngang đảo đứng/ Giữa sóng gầm reo/ Con tàu chồm tới/ Lòng còn buông neo”, tự nhiên nước mắt trào ra.
(Bắt đầu viết trên tàu HQ 571 trên biển Trường Sa ngày 29/6 - Xong tại Cửa Tùng ngày 8/ 7/2022).
(Xem tiếp kỳ 2 trên Tiền Phong thứ 2 ra ngày 11/7/2022)