Đầu tiên, dễ nhận thấy nhất chính là thành tích không thua bất cứ trận nào, nhận bất cứ bàn nào trong suốt hành trình vô địch SEA Games 31. Như vậy, U23 Việt Nam trở thành đội bóng duy nhất trong lịch sử môn bóng đá nam tại SEA Games giữ sạch mành lưới suốt cả giải.
Với việc bảo vệ thành công tấm HCV, Park Hang-seo trở thành HLV đầu tiên giành 2 chức vô địch liên tiếp ở môn bóng đá nam của SEA Games. Thống kê này tính từ năm 2001, thời điểm các đội tuyển quốc gia được thay thế bằng đội U22 (hoặc U23) dự giải.
Ở hàng thủ là sự chắc chắn tuyệt đối. Nhưng trên hàng công là những cột mốc mang đến nhiều tín hiệu buồn vui. Đây chính là đội duy nhất từ trước tới nay vô địch SEA Games mà không ghi được bàn thắng nào trong tất cả các hiệp 1. U23 Việt Nam cũng là đội vô địch với ít bàn thắng nhất trong lịch sử (8 bàn). Trùng hợp là ở 2 kỳ SEA Games sân nhà (2003 và 2022), Việt Nam cũng chỉ có tổng cộng 8 bàn cả giải.
SEA Games 31, Văn Toản không phải vào lưới nhặt bóng bất cứ lần nào |
Tập thể vừa đăng quang cũng đồng thời là đội U23 Việt Nam có hiệu suất ghi bàn thấp nhất trong lịch sử SEA Games (tính từ năm 2001 khi lứa trẻ tranh tài). Ở SEA Games 31, Việt Nam chỉ có 8 pha lập công sau 6 trận, trung bình 1,33 bàn/trận.
Hồi 2007, chúng ta ghi 7 bàn sau 5 trận, hiệu suất nhỉnh hơn: 1,4 bàn/trận. Nhưng quan trọng năm 2022 chúng ta có thành tích tối đa. Năm 2007, Việt Nam đã không thể ghi được bàn nào tại các trận knock-out và chấp nhận trắng tay.
Thực ra, so sánh vẫn luôn mang tính chất tương đối. Vì các kỳ SEA Games gần đây, ghi ít bàn hơn là tình trạng chung của mọi đội. Khoảng cách giữa những nền bóng đá yếu nhất và mạnh nhất khu vực đã được thu hẹp. Vì thế, Lào, Campuchia hay Timor Leste không còn thua 7, 8 trái như trước.
Và một dấu ấn cuối cùng, có lẽ U23 Việt Nam cũng là đội vô địch SEA Games duy nhất ghi được số bàn thắng theo “mô típ” kỳ lạ là 50% số bàn đầu tiên bằng chân, 50% số bàn sau đó bàn đầu. Kể từ trận thắng Timor Leste, tất cả 4 pha làm tung lưới đối phương của U23 Việt Nam đều nhờ không chiến.