Nỗi lòng nữ kỳ thủ sau tấm huy chương vàng SEA Game 31

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kỳ thủ Lê Thị Kim Loan đã đem về chiến tích tuyệt vời cho cờ tướng Việt Nam khi cô đoạt huy chương vàng cá nhân nữ tại SEA Games 31 với thành tích bất bại sau 7 ván đấu. Chiếc huy chương vàng Kim Loan đạt được là tấm huy chương vàng thứ 3 của cờ tướng Việt Nam tại SEA Games 31 và giúp Việt Nam áp đảo hoàn toàn các đối thủ tại sân chơi này.

Việc Kim Loan xuất sắc đoạt huy chương vàng ở SEA Games 31 cũng ấn tượng như việc cô đoạt chức vô địch quốc gia năm 2021. Ban đầu tại giải đấu này, Kim Loan không được đánh giá cao khi chỉ xếp hạng 14/16 vận động viên vào đấu loại trực tiếp. Thế nhưng nữ kì thủ đã khẳng định năng lực bằng cách lần lượt đánh bại các cao thủ Phạm Thu Hà, Hoàng Hải, Bình, Đàm Thị Thùy Dung, Trần Tuệ Doanh để đoạt chức vô địch.

Chia sẻ với chúng tôi ngay sau khi giành được tấm huy chương vàng thứ 3 của cờ tướng Việt Nam tại SEA Games 31, Lê Thị Kim Loan cho biết cô cảm thấy rất hạnh phúc, vui mừng và tự hào vì đã thi đấu hết sức, nghiêm túc để liên tục mang về thành tích cho Cờ tướng Việt Nam.

Nỗi lòng nữ kỳ thủ sau tấm huy chương vàng SEA Game 31 ảnh 1
Sự tập trung của kỳ thủ Kim Loan trong mỗi trận đấu

Xin chào chị Kim Loan. Chị vừa giành được HCV Sea Games 31 bộ môn Cờ tướng trước những đối thủ đáng gờm, cảm xúc của chị thế nào?

Trước khi thi đấu bộ môn Cờ tiêu chuẩn nữ, Cờ tướng Việt Nam đã giành được 02 HCV đồng đội nam bộ môn cờ nhanh và cờ chớp, đó là động lực giúp tôi phải cố gắng chiến thắng và thi đấu hết sức, nghiêm túc để tiếp tục mang về thành tích cho Cờ tướng Việt Nam. Trong quá trình thi đấu, tôi đã liên tiếp chiến thắng những ván đấu quan trọng trước những đối thủ đáng gờm đến từ Malaysia, Singapore, nhất là kỳ thủ Đẳng cấp quốc tế Đại sư Ngô Lan Hương từng 10 lần Vô địch Việt Nam, 02 lần Vô địch châu Á (2011, 2013), hiện đã nhập tịch và thi đấu cho Singapore. Có thể nói, HCV tại SEA Games 31 lần này, đánh dấu mốc quan trọng của bản thân tôi sau 18 năm thi đấu Cờ tướng.

Nỗi lòng nữ kỳ thủ sau tấm huy chương vàng SEA Game 31 ảnh 2
Trận đấu lịch sử giữa kỳ thủ Kim Loan và Đẳng cấp Quốc tế Đại Sự Ngô Lan Hương từ đội Cờ tướng Singapore

Trong quá trình luyện tập cho kỳ SEA Games 31 lần này, chị có phải gặp những áp lực nào khi mang trách nhiệm của một VĐV của đội tuyển Quốc gia?

Bộ môn Cờ tướng tại SEA Games 31 lần này, với sự tham gia của những kỳ thủ ưu tú như: Lại Lý Huynh, Nguyễn Thành Bảo (đồng đội nam cờ nhanh); Hà Văn Tiến, Nguyễn Minh Nhật Quang (đồng đội nam cờ chớp), Đặng Cửu Tùng Lân, Vũ Quốc Đạt (cờ tiêu chuẩn nam), Nguyễn Hoàng Yến (cờ tiêu chuẩn nữ), thì việc đạt thành tích cao trên bảng tổng sắp huy chương và hoàn thành mục tiêu đề ra của Đội tuyển Cờ tướng là giành 02 Huy chương vàng là rất lớn nên bản thân tôi không có áp lực nhiều về thành tích thi đấu tại SEA Games 31 lần này.

Nỗi lòng nữ kỳ thủ sau tấm huy chương vàng SEA Game 31 ảnh 3
Kỳ thủ giành Huy chương Vàng Lê Thị Kim Loan tại lễ trao giải môn Cờ tướng

Chị đã từng giành được các danh hiệu Vô địch Quốc gia 2021, Huy chương bạc cờ chớp Quốc gia 2022 và gần đây nhất là chiếc HCV SEA Games 31, bí quyết và động lực nào giúp chị có được những thành tựu này?

Để đạt được những thành tích cao nhất trong quá trình thi đấu, tôi luôn phải cố gắng phấn đấu, rèn luyện bản thân lẫn chuyên môn, loại bỏ những chi phối trong cuộc sống để có được tâm lý ổn định thi đấu tốt nhất và đặt mục tiêu cao nhất là phải quyết tâm, thi đấu hết mình, quyết định đưa ra những nước cờ mang tính chất đột phá để mang lại chiến thắng và cộng thêm chút may mắn nữa. Bí quyết dành HCV SEA Games 31 của tôi cũng giống các bộ môn thể thao khác đó là “tinh thần dân tộc”.

Chị đánh giá thế nào về nội lực của Đội tuyển cờ tướng Việt Nam trước những giải thi đấu khu vực và quốc tế?

Với thực lực Đội tuyển cờ tướng Việt Nam hiện nay, tôi có thể khẳng định: Cờ tướng Việt Nam đang sở hữu rất nhiều kỳ thủ xuất sắc và sẵn sàng gặt hái thành công, đạt thành tích cao tại các giải thi đấu trong khu vực và quốc tế. So với khu vực Đông Nam Á, thì Cờ tướng Việt Nam hiện nay là đội mạnh nhất. So với quốc tế, Cờ tướng Việt Nam đã dần dần rút ngắn khoảng cách trình độ so với Cờ tướng Trung Quốc, đây là Quốc gia mạnh nhất trong làng Cờ thế giới.

Nỗi lòng nữ kỳ thủ sau tấm huy chương vàng SEA Game 31 ảnh 4

Các tuyển thủ đội tuyển cờ tướng Việt Nam

Để có được những thành tựu này, chị bắt đầu theo bộ môn này từ khi nào và có gặp khó khăn gì không?

Bộ môn Cờ tướng là một đam mê cháy bỏng của bản thân tôi từ bé đến tận bây giờ nên mọi người đã đặt cho tôi biệt danh là “Loan Cháy”. Tôi chỉ nghĩ đơn giản chơi cờ giống như một trò chơi nên muốn tập thử và tôi đã bắt đầu chơi cờ từ khi tôi mới 13 tuổi, khi ấy đang là học sinh lớp 7.

Tôi yêu cờ và được gia đình hậu thuẫn, tạo mọi điều kiện để tôi tham gia chơi bộ môn này và có được một số danh hiệu nhỏ. Trước niềm đam mê Cờ tướng và thành tích như vậy, năm 2008, tôi đã được gọi vào Đội tuyển Cờ tướng tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) thi đấu. Từ đó đến nay, tôi thi đấu chuyên nghiệp bộ môn Cờ tướng và giành được nhiều danh hiệu, huy chương cấp Quốc gia, trong đó đáng chú ý gần đây là Vô địch cá nhân Cờ tiêu chuẩn Quốc gia 2021, Vô địch cá nhân Cờ tiêu chuẩn SEA Games 31...

Nỗi lòng nữ kỳ thủ sau tấm huy chương vàng SEA Game 31 ảnh 5

Kỳ thủ Kim Loan chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè sau giải đấu

Trong suốt quá trình đó, điều chị cảm thấy khó khăn nhất là gì?

Trong suốt quá trình tập luyện, thi đấu bộ môn Cờ tướng, mặc dù tôi là một kỳ thủ chuyên nghiệp, hay còn gọi là “hàng tướng” nhưng lương và thưởng của vận động viên Cờ tướng không cao, trong khi đó nguồn thu nhập khác là không có và kiếm tiền thưởng từ các giải thi đấu thật sự vất vả, bởi vì không phải cứ ai tham gia thi đấu là có thể đạt giải ngay. Do đó, tôi nghĩ khó khăn nhất đối với cá nhân tôi để tiếp tục duy trì và theo đuổi niềm đam mê với bộ môn Cờ tướng là điều kiện kinh tế.

Tôi hy vọng mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để Loan Cháy tiếp tục đóng góp vào thành công, mang về Huy chương cho Cờ tướng Việt Nam tại đấu trường quốc tế trong thời gian tới.

Xin cảm ơn chị

MỚI - NÓNG