Chuyên gia cho rằng, nâng đường, thay cống là giải pháp đã lỗi thời, cần áp dụng các giải pháp khác để đạt hiệu quả hơn cũng như tránh thất thoát ngân sách.
Đường Nguyễn Văn Quá ngập sâu chiều 21/5. |
Cơn mưa chiều 21/5, tuy không lớn nhưng đã khiến một phần tuyến đường Nguyễn Văn Quá thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12 và đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp bị ngập sâu. Đường bị ngập nước không chỉ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông mà còn làm xáo trộn sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân hai bên đường.
Chị Bùi Thị Ngọc Hải (chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Quá) cho biết, tuyến đường qua nhà chị bị ngập triền miên nhiều năm nay. Sau khi cơ quan chức năng đầu tư nâng cao mặt đường, thay cống hộp lớn tưởng sẽ hết ngập nhưng vẫn không cải thiện được. "Mưa lớn tầm 30 phút thì đường sẽ ngập tràn lên vỉa hè. Khi có ô tô chạy qua tạo thành sóng tràn cả vào nhà. Ở đây mấy năm nay buôn bán ngày được ngày không vì cứ mưa lớn là ngập", chị Hải nói.
Tương tự, nhiều người dân trên đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp cũng đang nơm nớp lo ngập khi TPHCM bước vào mùa mưa. Theo người dân, hệ thống cống thoát nước hai bên đường đã được lắp đặt từ nhiều năm trước hiện đã xuống cấp nên nước không thoát kịp khi mưa lớn gây ngập.
"Gần 3 năm qua tuyến đường này cứ mưa lớn là ngập. Nhất là mưa lớn mà gặp triều cường nữa thì ngập nửa ngày chưa rút. Nay chuẩn bị vào mùa mưa, dân ở đây cũng lo lắng lắm, không biết có cách nào cho đường hết ngập không", ông Phan Văn Thành (nhà trên đường Phan Huy Ích" lo lắng.
Nước từ đường Phan Huy Ích tràn vào sân nhà dân vào chiều 21/5. |
Liên quan đến tình trạng ngập ở TPHCM nói chung và hai tuyến đường Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá nói riêng, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp cận công nghệ chống ngập mới thay vì cứ nâng đường thay cống lớn như trước đây. Nguyên nhân là hiện nay TPHCM đang lún với tốc độ nhanh kèm theo mực nước biển dâng cao khiến nước từ các khu dân cư, đường giao thông không thể tự thoát ra sông, kênh rạch được.
GS.TS Lê Huy Bá (chuyên gia giao thông đô thị) cho rằng, TPHCM cần xem lại quy hoạch đô thị, chống ngập. Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ngập ở khu vực đường Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích hay cả khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì phải có phương án quy hoạch một cách khoa học. Tuy nhiên, vấn đề lớn là kinh phí để giải tỏa mặt bằng, thi công các dự án sẽ rất lớn nên khó thực hiện.
Về tuyến đường Nguyễn Văn Quá, dù đã nâng cao độ, thay cống hộp với đường kính lớn nhưng vẫn bị ngập, ông Bá cho rằng độ dốc của cống không đủ để nước thoát ra kênh. "Theo nguyên tắc nước chỗ cao chảy xuống chỗ thấp. Nếu cống không đủ độ dốc thì nước không thể thoát ra sông. Chưa kể khi triều cường kèm trời mưa thì không có cách nào để thoát nước mà cống chỉ để trữ nước", ông Bá nói.
Người đi xe máy cố gắng tăng ga để tránh chết máy khiến nước văng tung tóe vào người đi bộ. |
Do đó, vị chuyên gia để chống ngập trong giai đoạn này cần áp dụng các biện pháp tình thế như sử dụng máy bơm để "cưỡng bức" nước từ hệ thống cống ra sông. "Để quy hoạch và thực hiện các dự án lớn có khi mất hàng chục năm nữa. Giai đoạn này tôi nghĩ việc áp dụng bơm "cưỡng bức" là một giải pháp có thể áp dụng được cho các khu vực này. Vấn đề chỉ là tìm điểm đặt máy bơm cho phù hợp" TS. Lê Huy Bá nhận định.
Theo Th.S Nguyễn Ngọc Thiệp, giảng viên bộ môn Cấp thoát nước - trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thành phố đang có tốc độ lún rất nhanh (khoảng 2,5cm/năm), kèm theo tình trạng nước biển dâng, mực nước ngoài sông cao hơn mặt đường khi triều cường khiến việc thoát nước tự nhiên là bất khả thi.
"Có hai nguyên nhân gây ngập là mưa và triều cường. Nếu cả hai cùng xảy ra một lúc thì các tuyến đường có hệ thống cống cũ hay không đủ độ dốc sẽ không thể thoát nước. Cần phải bơm để đẩy nước ra sông, không còn cách nào khác", Th.S Thiệp phân tích.
Chuyên gia cho rằng cần tính đến phương án chống ngập mới thay vì nâng đường, thay cống. |
Theo ông Thiệp, ở các quốc gia khác việc chống ngập được tính toán theo từng lưu vực chứ không phải theo tuyến đường. Việc nâng đường, thay cống là giải pháp của ngành giao thông để giải quyết chống ngập cho đường mà chưa tính đến khu dân cư trong lưu vực của tuyến đường đó.
"Vì vậy, cơ quan chức năng nên thay đổi phương pháp, áp dụng các công nghệ mới, học hỏi công tác chống ngập của các quốc gia có cốt nền thấp hơn mực nước biển như Hà Lan...", ông Thiệp nói và cho nhận định có thể áp dụng cách chống ngập bằng máy bơm công suất lớn như đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây nếu lưu vực phù hợp.