Thí sinh xét tuyển ÐH 2022 không lo mất quyền lợi vì lọc ảo. Ảnh: Như Ý |
Ðảm bảo mỗi thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng
Khi nghe thông tin Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lọc ảo chung tất cả các phương thức tuyển sinh trong đợt 1 xét tuyển, Nguyễn Thị Huyền, học sinh trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội tỏ ra băn khoăn.
Thời gian qua, Huyền đã đăng ký xét tuyển học bạ trước vào một số trường ĐH. Thế nhưng, thay vì biết kết quả có trúng tuyển hay không ngay sau mỗi đợt xét tuyển như năm 2021, năm nay, có thể em vẫn phải chờ đến khi thực hiện lọc ảo xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả các phương thức tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT mới có kết quả chính thức. Huyền lo lắng quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng với quy định mới như thế này.
Nguyễn Văn Hùng, trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định cho biết, em muốn xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh và học bạ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Nhưng theo đề án trường công bố thì hiện phải chờ thi tốt nghiệp xong, thí sinh đăng ký cùng lúc với nhiều phương thức. “Em sợ sẽ có rủi ro so với việc được đăng ký xét tuyển sớm và tách ra theo nhóm phương thức khác nhau”, Hùng nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), lịch xét tuyển đợt 1 cơ bản không thay đổi so với các năm trước. Tuy nhiên, thời gian các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học có thể chậm hơn 2 - 3 tuần so với các năm trước, nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho thí sinh và cho toàn hệ thống.
Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng, được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc thí sinh “chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất” vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh, các cơ sở giáo dục ĐH vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh; vừa dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.
“Tuy nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót, đặc biệt là khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống.
Để tránh nhầm lẫn và hạn chế ảnh hưởng đến cơ sở đào tạo, thí sinh, trong thời gian qua Bộ GD&ĐT đã và đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh”, bà Thủy nói.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Không chỉ thí sinh, lãnh đạo các trường ĐH chia sẻ khó khăn khi Bộ GD&ĐT tổ chức lọc ảo chung. Trao đổi với báo chí, ông Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực cho biết sau khi xét tuyển các phương thức riêng xong, các trường vẫn phải chờ kết quả lọc ảo từ phía Bộ. Do đó nên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh cũng như phương án xây dựng điểm chuẩn của các trường, nhất là các trường ở top 2 và các trường ở top thấp hơn.
Không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch tuyển sinh của nhiều trường mà việc hệ thống lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển sẽ thực hiện như thế nào, quá trình lọc ảo ra sao, cần có sự thay đổi gì trong cách thức đăng ký xét tuyển của thí sinh để lọc ảo chung hay không thì các trường hiện vẫn chưa có thông tin.
Cùng với đó, nếu thực hiện lọc ảo chung thì đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT với các trường, cũng như các thí sinh trong việc thống nhất cách thức đăng ký cho từng nguyện vọng và từng phương thức để tránh nhầm lẫn.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay để tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, Bộ GD&ĐT cũng cần cân nhắc và có các biện pháp khi triển khai hệ thống lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển.
Lọc ảo có thể được hiểu là cách mà cơ quan chức năng dựa vào đó để đảm bảo những thí sinh đã trúng tuyển một trường ở nguyện vọng đầu sẽ bị loại, không được xét tuyển ở các nguyện vọng sau.
Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, phần mềm xét tuyển của nhà trường căn cứ vào tính đa nguyện vọng của từng phương thức xét tuyển, đồng thời cũng căn cứ vào tính đa đối tượng của thí sinh.
Các em có thể đỗ cùng lúc vài nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường (do sử dụng nhiều phương thức xét tuyển). Sau đó các em có thời gian cân nhắc để lựa chọn nguyện vọng yêu thích nhất.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, thực chất phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT không xét tuyển mà chỉ sắp xếp dựa trên nguyện vọng của thí sinh để lựa chọn ra nguyện vọng nào các em trúng tuyển cao nhất. Cho nên, về mặt kĩ thuật thì hầu như không phức tạp hơn các năm trước. Các trường trước đó hoàn toàn có thể công bố kết quả xét tuyển của mình.