Trước băn khoăn của dư luận liên quan đến quy định lọc ảo chung đối với tất cả các phương thức xét tuyển được Bộ GD&ĐT đưa ra tại dự thảo quy chế tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT khẳng định đây chỉ là điều chỉnh kỹ thuật.
Bà Thủy cho hay phân tích số liệu trong vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo nhưng nhập học ngày càng giảm, một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.
Mặt khác, nếu thí sinh xét tuyển bằng kết quả học tập vào nhiều cơ sở đào tạo phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT phải mất thời gian sao in chứng thực kết quả học tập cho thí sinh gây tốn kém cho thí sinh và xã hội; các cơ sở đào tạo mất thêm thời gian cập nhật kết quả học tập của thí sinh để xét tuyển, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập để sơ tuyển không có dữ liệu chính xác dẫn đến còn tồn tại khá nhiều sai sót trong xét tuyển.
Do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường nên tỷ lệ thí sinh ảo rất cao; hệ quả là: thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác; các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không hoàn toàn đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh có chất lượng tốt hơn).
Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, dự thảo Quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật đó là thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1. Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh; các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo.
Thí sinh vẫn có thể xét tuyển và biết được khả năng mình trúng tuyển vào nhiều trường (không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh). Thực chất, hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh dựa trên các ưu tiên của các em, để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà các em có thể trúng tuyển. Theo đó, thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình, đồng thời hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo.
Theo người đứng đầu Vụ Giáo dục ĐH, giải pháp xây dựng một hệ thống xử lý nguyện vọng và xác nhận nhập học trực tuyến chung, lọc ảo chung như nói trên đây chính là giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhất hướng tới sự đảm bảo: công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội. Về mặt kỹ thuật hầu như không phức tạp hơn các năm trước.
Với quy định về hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung như trong dự thảo quy chế năm nay, lịch xét tuyển chung đợt 1 cơ bản không thay đổi so với các năm trước. Hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung cũng không làm thay việc xét tuyển của các trường, không ảnh hưởng đến quyền tự chủ xét tuyển của các trường; thời gian các trường có thể công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học có thể chậm hơn 2-3 tuần so với các năm trước, nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho thí sinh và cho toàn hệ thống.
Bà Nguyễn Thu Thủy thông tin năm 2021, đã có 50% thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và 100% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống; những năm qua các trường đã tham gia hệ thống để lọc ảo thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Mục tiêu năm 2022 sẽ lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển, về mặt kỹ thuật hầu như không phức tạp hơn các năm trước.
"Tuy nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót, đặc biệt là khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống", bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ
Đồng thời khẳng định với kinh nghiệm, kết quả từ công tác tuyển sinh các năm trước, để tránh nhầm lẫn và hạn chế ảnh hưởng đến cơ sở đào tạo, thí sinh, Bộ GD&ĐT đã và đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm, hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh.