Tuyển sinh đại học 2022 và nỗi lo tăng học phí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm học 2022, nhiều trường đại học (ĐH) vừa được tự chủ hoặc khối ngành Y dược sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gấp đôi so với năm 2021. Hành lang pháp lý của việc tăng học phí này là Nghị định 81 của Chính phủ.

Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ cũng sẽ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng).

Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tăng vừa phải hơn, ở mức 15,3%. Đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự chủ mức 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên), mức học phí với khối ngành Y dược cao nhất có thể lên đến 4,9 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Còn với các trường đã được tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí nhóm ngành Y dược tối đa có thể lên đến trên 6 triệu đồng/tháng.

Tuyển sinh đại học 2022 và nỗi lo tăng học phí ảnh 1

Trước khi điền nguyện vọng xét tuyển, thí sinh nên xem xét vấn đề học phí. Ảnh: Nghiêm Huê

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến học phí cả năm 2022 cao nhất khoảng 44,5 triệu đồng/sinh viên đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí 32 triệu đồng/năm/sinh viên của năm 2021, năm nay, học phí của trường tăng 40%.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến tăng học phí. Cụ thể, học phí ngành Răng Hàm Mặt chương trình tiếng Việt năm 2022 là 105 triệu đồng/học kỳ/sinh viên, trong khi mức cũ là 91 triệu đồng/học kỳ/sinh viên. Với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, mức học phí tăng từ 110 triệu đồng/học kỳ lên mức 125 triệu đồng/học kỳ/sinh viên. Với các ngành học khác của trường, mức tăng nhẹ hơn.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022. Mức thu cho năm học 2022-2023 là 42 triệu đồng/sinh viên, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên cho khóa tuyển sinh năm 2021 đã tăng thêm 24,5%.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM từ năm 2022 được tự chủ. Vì vậy, mức thu học phí của trường dự kiến tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm/sinh viên. Mức học phí này tăng từ gần gấp đôi đến gấp đôi so với năm 2021. Chính vì thế, có 6 ngành khó tuyển sinh của trường được ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí là Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học.

Học phí chỉ có tăng

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên các trường ĐH thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ cho lộ trình tăng học phí mới từ 2022 đến 2026. Theo lộ trình này, học phí các năm chỉ tăng dần đều, không có chiều ngược lại.

Đến thời điểm hiện tại, 100% các trường ĐH trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh, nhiều trường đã nhận hồ sơ xét tuyển nhưng lại “quên” không công khai học phí. Ví dụ như trường ĐH Văn Lang, trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Công nghiệp, trường ĐH Y dược Thái Bình…

Theo Bộ GD&ĐT, thông tin học phí các trường có thể bổ sung kịp thời vào đề án tuyển sinh. Do đó, Bộ sẽ nhắc nhở nếu trường nào “quên” chưa công khai.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, công khai học phí là yêu cầu bắt buộc trong Quy chế tuyển sinh hằng năm.

Năm nay, tuy Bộ GD&ĐT chưa ban hành Quy chế tuyển sinh nhưng các trường đã công khai thông tin tuyển sinh và đã tổ chức xét tuyển. Vì thế, thí sinh có quyền được biết học phí của các trường áp dụng từ năm 2022.

PGS Đỗ Văn Dũng khẳng định việc không công khai học phí sẽ mang đến nhiều rủi ro cho thí sinh vì khoảng 70% sinh viên đến từ các gia đình nông thôn, miền núi, nhiều gia đình phải vay mượn thêm. Không công khai học phí để thí sinh và gia đình lượng sức kinh tế, đến khi vào học, sinh viên rất khó “quay đầu”.

Ông Dũng thông tin thêm, qua nhiều năm làm tuyển sinh, ông nhận thấy, có một số cơ sở giáo dục ĐH “nhập nhèm” khi không công khai học phí toàn khóa học. Năm đầu, để thu hút thí sinh, học phí có thể chỉ công bố ở mức vừa phải, nhưng những năm sau, học phí tăng vọt. Hay có những cơ sở giáo dục ĐH công bố mức học phí tính theo đơn vị tín chỉ nhưng lại không công bố tổng số tín chỉ sinh viên phải hoàn thành đến khi ra trường.

MỚI - NÓNG