Theo Nghị định 81, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.
So với năm học 2021 - 2022 thì mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.
Theo thông tin từ các trường, học phí từ năm học tới dự kiến tăng. Cụ thể, tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí dự kiến cao nhất khoảng 44,5 triệu đồng đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí là 32 triệu đồng/năm 2021, mức tăng này đã đạt đến 40%.
Đối với các trường đại học công lập được tự chủ, mức học phí đã tăng vọt ngay lập tức so với chưa tự chủ. Ví dụ như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Mức tăng của các ngành hệ chuẩn đã tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi. Cũng chính vì vậy nên trong năm học 2022 - 2023, để giảm gánh nặng học phí cũng như thu hút người học, Đại học Quốc gia TPHCM đã quyết định hỗ trợ 35% học phí của 6 ngành thuộc nhóm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học).
Thí sinh có thể tham khảo mức tăng học phí dự kiến của một số trường tại bảng sau:
Cùng với việc tăng học phí, vấn đề chất lượng đã được dư luận xã hội đặt ra. Tuy nhiên, thực tế, các trường khó có thể giải trình được cụ thể.