Tổng thống Biden gọi xung đột Ukraine là 'bước ngoặt' hàng trăm năm mới xảy ra một lần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Biden cho biết các bậc phụ huynh ở Ukraine thậm chí đã đặt tên cho những em bé mới sinh là “Javelin hoặc Javelina”, theo loại tên lửa chống tăng mà Washington đang cung cấp cho Kiev.
Tổng thống Biden gọi xung đột Ukraine là 'bước ngoặt' hàng trăm năm mới xảy ra một lần ảnh 1

Ông Biden phát biểu ngày 3/5 trong chuyến thăm nhà máy Lockheed Martin ở Alabama (Mỹ). Ảnh: AP

Phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Lockheed Martin ở Alabama, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/5 mô tả cuộc xung đột ở Ukraine “là một bước ngoặt xuất hiện sau mỗi 6 hoặc 8 thế hệ”.

“Chúng ta đang trải qua một bước ngoặt lịch sử. Nó đến sau mỗi 6 hoặc 8 thế hệ. Mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng nên chúng ta phải luôn kiểm soát tình hình”, Tổng thống Biden nói.

Không rõ “bước ngoặt” gần nhất mà thế giới đã trải qua theo cách nói của ông Biden là gì. Vì 6 đến 8 thế hệ sẽ tương đương với khoảng từ 100 đến 200 năm.

So sánh dòng viện trợ vũ khí chưa từng có cho Kiev với việc Mỹ trang bị vũ khí cho các đồng minh thời Thế chiến 2, Tổng thống Biden tiếp tục yêu cầu thêm 33 tỷ USD viện trợ cho Ukraine (bao gồm hơn 20 tỷ USD viện trợ quân sự, cũng như tài trợ cho các cơ quan chính phủ Mỹ có liên quan đến Kiev).

Mỹ đã cung cấp số vũ khí trị giá 3,4 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2. Trong số này có pháo, tên lửa Javelin, Stinger, đạn dược và áo giáp. Số tên lửa Javelin mà Mỹ gửi đến Ukraine đã lên đến 5.500 chiếc.

Tổng thống Biden gọi xung đột Ukraine là 'bước ngoặt' hàng trăm năm mới xảy ra một lần ảnh 2

Ông Biden thăm nhà máy Lockheed Martin. Ảnh: NY Times

Đề cao tầm quan trọng của tên lửa chống tăng Javelin được sản xuất tại nhà máy ở Alabama đối với quân đội Ukraine, ông Biden cho biết các bậc phụ huynh ở Ukraine thậm chí đã đặt tên cho những em bé mới sinh là “Javelin hoặc Javelina”. Tuyên bố này lặp lại phát ngôn được đưa ra tháng trước bởi nhà báo Ukraine Ilya Ponomarenko.

Những phát ngôn của Washington về Ukraine đã trở nên cứng rắn trong những tuần gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cách đây không lâu tuyên bố rằng “chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những điều mà họ đã làm khi tiến vào Ukraine”.

Trong khi đó, Nga coi cuộc xung đột hiện tại như một cuộc chiến chống lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoại trưởng Sergey Lavrov cáo buộc liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu “về cơ bản sẽ gây chiến với Nga thông qua một bên ủy nhiệm và họ sẽ trang bị cho ủy nhiệm đó”.

Trong bài phát biểu ngày 3/5, ông Biden dường như cũng thừa nhận rằng Mỹ đang tham gia vào một cuộc xung đột ủy nhiệm với Nga, khi ông nói với các công nhân nhà máy Lockheed Martin rằng “những chuyến hàng vũ khí của Mỹ đã giúp người dân Ukraine có thể tự vệ mà chúng ta không cần phải mạo hiểm tham gia vào một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 bằng cách gửi lính Mỹ ra chiến trường.”

MỚI - NÓNG