Học nghề diễn
Đóng xong phim cũng là hết học kỳ một của năm thứ nhất, Trần Lực sang Bulgaria theo diện lưu học sinh. Anh học đạo diễn sân khấu 5 năm nhưng có đến 4 năm anh học các môn chung với các bạn bên lớp diễn viên. Sau khi học xong đạo diễn sân khấu, thì đồng thời anh cũng trở thành diễn viên chuyên nghiệp.
Về nước tháng 3/1991, Trần Lực vẫn nhớ như in cái ngày trở lại quê hương. Trời hôm đó nồm kiểu thời tiết mùa xuân ở Hà Nội. Khi tới cửa ra của sân bay, anh địu đằng trước là đứa con đang còn rất nhỏ, đằng sau đeo cái ba-lô đựng quần áo của con, hai tay anh xách đống đồ chơi. Về nước với một cái tâm thế sẵn sàng “nhảy” vào “làm” sân khấu. Nhưng thực tế ở Việt Nam và cái sự học bên châu Âu nó khác nhau.
Tình hình sân khấu của những năm đầu thập kỷ 90 đang xuống, thê thảm.
Lúc này, nữ đạo diễn NSUT Đức Hoàn mời anh đóng phim. Trước đó chừng 7 năm, đạo diễn Đức Hoàn từng mời anh đóng trong phim “Hà Nội, mùa chim làm tổ”, nhưng lúc ấy anh chuẩn bị sang Bulgaria nên không thể nhận lời. Khi anh về nước, đạo diễn Đức Hoàn gọi ngay anh đến thử vai và để anh đóng vai chính cùng NSND Lê Khanh trong bộ phim “Chuyện tình bên dòng sông”, kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Trong phim, anh không đóng bộ đội mà đóng một anh chàng buôn bè. Anh này tuy tính tình bộc trực, cộc cằn nhưng là người tốt bụng và đẹp trai.
Về nước năm 1991, Trần Lực đi làm thuộc biên chế ở Phòng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật sân khấu. Công việc cụ thể là tham gia tổ chức cấp kinh phí cho các liên hoan sân khấu hằng năm như kịch nói, cải lương, tuồng, chèo… Công việc không nhiều nên anh toàn đi đóng phim.
Năm 1995, anh chuyển về Trung tâm nghe nhìn Đài truyền hình Việt Nam (nay là Hãng Phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam). Anh làm đạo diễn nhưng cũng có đóng phim cho chương trình phim Văn nghệ chiều Chủ nhật. Được một thời gian, anh sang hãng Phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khê. Rồi sau, anh “ra ngoài” mở hãng phim Đông A, tham gia “xã hội hóa” việc làm phim trong hợp tác với VTV và các đài truyền hình khác.
Hiện nay, anh cùng đoàn kịch tư nhân “Luc Team” say mê tìm tòi, sáng tạo và diễn những vở kịch trên sân khấu biểu hiện, ước lệ. Đắt show với những vai “người tốt” trong phim Từ năm 1991 cho đến năm 1996 -1997, Trần Lực đóng rất nhiều phim, chủ yếu là phim chiếu rạp: “Vụ áp phe Đông Dương”, “Đời hát rong”, “Chuyện tình bên dòng sông”, “Ngôi nhà ma ám”, “Anh chỉ có mình em”, “Hoa ban đỏ”, “Người đi tìm dĩ vãng”… Hầu hết vẫn là những vai chính diện.
- Là diễn viên, thì hầu hết anh vào vai chính diện, diễn là người tốt theo những chi tiết của kịch bản. Vậy, sự sáng tạo của diễn viên là gì ở đây?
Trần Lực vừa thong thả nâng pipe kéo một hơi, chậm rãi trả lời:
- Nhiều khán giả khi xem phim thường ít rạch ròi về người diễn viên khi đóng trong phim và cũng người diễn viên ấy ở ngoài đời thực. Diễn viên ở trên phim hiền lành, chân chất. Nhưng người diễn viên ấy khi sống ở ngoài đời thì là một con người cũng như tất cả mọi người, tức là cũng bao gồm những hỷ, nộ, ái, ố. Anh có cái phần tốt trong người nhưng cũng có cái phần xấu như mọi người khác. Diễn viên là một nghề. Ta phải phân biệt rõ ràng, hiểu rõ ràng và chính xác: đấy là nghề nghiệp, là một nghề như bao nghề nghiệp khác.
Với người cha là Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng (tại nhà riêng) |
- Anh cho ví dụ?
- Rất nhiều người hỏi khi tôi đóng vai Nguyễn Ái Quốc, thì cảm xúc của tôi như thế nào? Câu trả lời thực ra đơn giản. Đấy là nghề của tôi. Đây là nhân vật mà tôi phải diễn. Tôi phải hóa thân vào nhân vật có tên là Nguyễn Ái Quốc trên phim. Trong nguyên tắc làm việc của người diễn viên, tôi phải tìm hiểu thông tin, lý lịch nhân vật của tôi, người ấy sinh ra ở đâu, gia đình, gốc gác thế nào, học vấn đến đâu và những thói quen… để mà thể hiện và cảm xúc trên phim giống như nhân vật ngoài đời. Tất cả những gì liên quan như các tình huống, các sự kiện trong cuộc đời nhân vật, tôi đều phải đọc và nghiên cứu để tôi là diễn viên, hiểu được rồi hóa thân vào nhân vật, diễn tả lại cho trúng. Rồi như gần đây là khi tôi đóng vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi là tôi, tôi không phải là con người lãng mạn như ông Sơn. Thế nhưng khi diễn trong phim, tôi phải diễn vai ông Sơn làm sao để thể hiện ra cái khí chất nghệ sĩ lãng mạn của ông ấy.
Tất cả những điều trên là thuộc tính của một nghề, được gọi là nghề diễn viên, và đấy là công việc, đấy là nghề, là công việc. Càng chuyên nghiệp thì càng phải thế.
Nhưng cũng còn là cái “duyên nghề” với nhau nữa.
Năm “chín mấy” không nhớ cụ thể, đạo diễn Lê Đức Tiến làm phim hài “Hoa hậu đêm trăng”, nhân vật chính trong phim là em Thu Hà của Đoàn Kịch Hà Nội đóng. Tôi đến gặp và nói với anh Tiến, rằng “anh ơi, em không cần cát xê đâu, cho em đóng một vai hài để em thay đổi kiểu đóng”. Ông Tiến buông một câu “Không được, mặt cậu thế, đóng hài thế nào được?”
- Như vậy là cái ý nghĩ “đóng chết” một kiểu vai cho một diễn viên nào đó không chỉ là quần chúng khán giả nghĩ?
- Đúng như vậy. Thực ra khi học đạo diễn, thì bọn tôi có học một số tiết về tướng mạo con người. Ví dụ kiểu nhân vật này là trí thức, vậy thì cái nét nào trên khuôn mặt thể hiện ra là con người có học? Ngược lại, tính cách cục cằn thì sẽ thế nào? Kiểu nhân vật phản diện gian ác mưu mô như Lương “bổng”, thì sẽ có cái nét gì trên khuôn mặt hay cử chỉ ra sao? Ngoại hình nói chung của tôi hay cụ thể là khuôn mặt của tôi, giọng nói của tôi thì đúng là rất hợp để đóng vai chính diện, người tốt trên phim.
Trăn trở với các vai bộ đội
Trần Lực kể bằng giọng suy tư: - Nhưng tính cách của vai chính diện thì ít khi phong phú, dễ đơn điệu. Với diễn viên, khi đóng mãi một kiểu vai sẽ cảm thấy rất chán và rất mệt. Ví dụ, tôi hay phải đóng các vai bộ đội. Thì đầu tiên là chán, vì sợ khi diễn sẽ bị lặp lại. Mệt, vì để tránh lặp lại, tôi phải trăn trở tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn nhằm tìm cách thể hiện cho đúng nhân vật trong kịch bản, nhưng theo cách mới mẻ với chính mình hơn.
Ví dụ, cái lần tôi nhận vai ông bộ đội Phương trong “Hoa ban đỏ”. Tôi phải đọc và quan sát tìm ra nhân vật của mình là như thế nào? Thì ông ấy là nông dân của thời đó, ông ấy chả học gì về đánh nhau, về chiến đấu; ông ấy cũng chẳng biết chữ. Nhưng theo phân công thì ông ấy cứ hừng hực đi vào trận đánh, rồi cứ hồn nhiên mà chiến đấu, đánh nhau. Đấy là một ông bộ đội có gốc nông dân.
Nhưng sang đến bộ phim “Người đi tìm dĩ vãng” dựng theo tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, thì vai diễn của tôi trong phim đấy là sinh viên đang học đại học ở Hà Nội, bỏ dở để đi vào chiến trường và trở thành bộ đội đặc công. Đây là một anh bộ đội trí thức, có học.
Tức là mình phải thật hiểu về vai diễn của mình. Vì nếu chỉ hình dung về một anh bộ đội thì rất chung chung. Chẳng hạn như hai anh bộ đội tôi nhắc ở trên, đều anh dũng cả. Thì mình phải diễn thế nào khi cũng tình huống ấy, cũng quả cảm với tinh thần hy sinh, cũng dũng cảm lao lên… thì vẫn có sự khác nhau với từng con người, với mỗi nhân vật cụ thể. Nghĩa là cái phản xạ, cái ánh mắt, cử chỉ… phải có sự khác biệt. Ví dụ như với nhân vật Phương trong “Hoa ban đỏ” và ông Hai Hùng trong “Người đi tìm dĩ vãng”, thì khi diễn phải diễn làm sao đó cho Hùng ra Hùng, Phương ra Phương. Hoặc là trong một bộ phim của đạo diễn Trần Phương, anh đóng một ông bộ đội, chiến đấu rồi bị thương - thì lại là một nhân vật bộ đội kiểu khác.
Về chuyên môn trường lớp, Trần Lực học đạo diễn sân khấu. Năm 1983, khi mới bước chân vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cũng đồng thời anh được đóng một vai diễn đầu đời trong bộ phim truyện nhựa đen trắng “Sẽ đến một tình yêu” của đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa. Mới 20 tuổi, nhưng anh được phân vai chính – vai kỹ sư xây dựng Hoành. Đây là kiểu nhân vật giống như rất nhiều những nhân vật khác mà sau này anh thủ vai: một người trẻ trung chưa vợ, hết sức tốt bụng và có trách nhiệm với công việc, luôn sẵn sàng bảo vệ cái tốt chống lại cái xấu trong cuộc sống. Vai diễn chính đầu đời trong phim điện ảnh này, cứ như “vận” vào suốt nghiệp diễn viên của anh: những nhân vật chính diện.
Làm người tốt trên phim và ngoài đời, đều không dễ
Trần Lực chia sẻ: - Diễn viên giỏi là diễn viên đóng được đa dạng chứ không phải đóng “chết” mãi một kiểu vai. Ví dụ như diễn viên Trung Anh, bạn tôi. Trước, bạn đấy cũng đóng toàn kiểu vai “người tốt” như tôi. Nhưng mà sau đó bạn ấy “bật” lên khi đóng vai phản diện Lương “bổng” trong phim “Người phán xử”. Người diễn viên chuyên nghiệp là như vậy. Diễn viên bọn tôi, hầu như ai cũng vậy thôi, đều mong mình được đóng những kiểu vai có màu sắc khác nhau.
Cho nên, rất vất vả khi một diễn viên phải đóng một kiểu vai, một mô-tip nhân vật, vì diễn viên phải tìm ra cách để làm khác đi với mỗi vai. Trong nghề diễn, tôi quan niệm chỉ có hai loại: một sẽ là ngôi sao giỏi xuất sắc “bứt” hẳn lên; hai là làng nhàng. Chứ không có cái mức giữa. Nên diễn viên “ngôi sao” thì ít, mà diễn viên làng nhàng thì rất nhiều. Trên thế giới cũng vậy.
Hóa trang là một chuyện phải có. Nhưng bản thân diễn viên, ở phần bên trong mà tôi gọi là tố chất nghệ sĩ, mới là điều quan trọng nhất.
- Ở ngoài đời, nếu phải lựa chọn giữa việc là người tốt của thiên hạ và người tốt với vợ con, gia đình - anh chọn thế nào?
- Câu hỏi này khó nhỉ? Tôi thì nghĩ đơn giản thôi. Ai cũng vậy, đều có mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực. Bản chất con người là tổng hòa của những mặt đó. Cho nên, với câu hỏi này, thì phải đặt vào một tình huống cụ thể chứ không nói chung chung hay nói trước khi có tình huống xảy ra được. Hai lựa chọn trên đều không thể so sánh lựa chọn nào quý hơn lựa chọn nào?
Người thân bên cạnh mình thì ở vị trí số một. Nhưng một con người không thể nào mà tách việc đó ra khỏi xã hội, khỏi cộng đồng được. Cho nên anh ta sẽ không chọn được bên nào, mà anh ta phải xử thế tốt với cả hai bên nếu như phải tốt, hoặc ngược lại. Với cá nhân tôi, thì phần gia đình có lẽ nhỉnh hơn một chút.
Đã đến lúc chia tay, hỏi anh: “Có khi nào anh diễn cả trong cuộc sống đời thực không?”. Trần Lực cười, đáp luôn: “”Đố em đấy?”. Rồi anh nhìn thẳng vào mắt tôi: “Tôi nghĩ là không!”.