Mỗi dịp tháng 5 lịch sử về người ta lại nhắc về phim “Hoa ban đỏ”, cảm giác của anh thế nào?
Thích chứ. Nhìn lại 25 năm trước tôi thấy mình trẻ trung, đầy nhiệt huyết (cười). Thời kỳ đó làm phim khó khăn hơn bây giờ, và cũng nhiều kỷ niệm, thành ra vào những dịp kỷ niệm phát lại phim trên truyền hình cũng tạo ra cảm giác kỳ lạ.
Ngày xưa khi đóng phim tôi thường không xem lại mình đóng chác thế nào, bởi quan niệm vai nào qua là cho qua, không xem. Bây giờ xem lại tôi thích vì cảm thấy mình khi ấy ngố ngố ngơ ngơ, hồn nhiên quá chừng.
Theo anh điều gì khiến bộ phim ở lại lâu trong tâm trí người xem đến vậy, trong khi một số phim về chiến tranh, lịch sử Việt Nam gần đây lại không làm được điều này?
Có nhiều phim về đề tài chiến tranh, trong đó Hoa ban đỏ của đạo diễn Bạch Diệp được nhiều người thích. Đạo diễn tỏ rõ ra quan điểm về cuộc chiến- chính cô tham gia đoàn văn công năm xưa.
Với cô ấy cuộc chiến này lãng mạn, đáng yêu. Xem phim mọi người thấy dung dị, không lên gân lên cốt, tình người được đẩy lên rất mạnh. Đặc biệt chất lãng mạn của phim rất rõ, không chỉ là chuyện tình yêu của các nhân vật trong phim mà là cái nhìn về cuộc chiến: Người lính ra trận hồn nhiên lắm. Ra trận mà hễ nghỉ phút nào là đàn hát. Chính quan điểm đó tạo dựng sự khác biệt trong số các phim chiến tranh.
Cô Diệp là nữ đạo diễn nhưng mạnh mẽ, mạch lạc lắm và có chính kiến. Không phải vì cô là phụ nữ mà làm phim dịu dàng, tôi nghĩ do quan điểm của đạo diễn về cuộc chiến và con người Việt Nam hồn nhiên, lãng mạn trong chiến trận thời ấy.
Nhân vật Tiểu đoàn trưởng Phương do anh thủ diễn khác thế nào với những vai anh bộ đội anh từng thể hiện?
Khác nhiều chứ. Trên tinh thần một cái nhìn mới về Điện Biên Phủ của đạo diễn, nhân vật Tiểu đoàn trưởng Phương cũng không thoát khỏi không khí hừng hực chiến trận, không biết sợ chết là gì. Anh lính này ra trận nhưng cũng đầy hồn nhiên, vô tư khác hẳn với anh bộ đội đặc công Hà Nội trong phim “Ăn mày dĩ vãng” tôi đóng-một anh lính ra trận thực tế, tính toán dù là tính toán để thắng giặc. Anh Phương này cũng là nhân vật đáng yêu, đẹp không phải vì tôi đẹp đâu (cười) mà là vẻ đẹp từ tâm hồn.
Khán giả vẫn nhắc về tình cảm giữa hai nhân vật Phương và Tấm (NSƯT Thu Hà). Anh nhớ gì về những ngày đi phim chung với Thu Hà, cũng như những ấn tượng trong suốt quá trình quay phim?
Thu Hà đóng cùng tôi nhiều phim rồi, nên không còn gì xa lạ nữa. Đạo diễn Bạch Diệp làm công tác diễn viên tốt, cho nên cả tôi và Thu Hà, Trung Anh, Trọng Trinh… đều được đưa vào không khí chung, người xem thấy các nhân vật đều gắn kết. Tôi và Thu Hà đóng với nhau nhiều phim, hợp nhau trong diễn xuất. Mặc dù trong phim không ai nhìn thấy Phương hi sinh, nhưng phân đoạn cô gái do Thu Hà thủ vai tìm kiếm, đợi chờ Phương trong đoàn quân đi gây xúc động.
Hoa ban đỏ theo tôi cũng là một trong những phim chiến tranh được đầu tư kỹ, có bối cảnh oách nhất, có cảnh đào hào, khói lửa rất thực và hoành tráng. Có lẽ chỉ có hãng phim Quân đội mới có thể làm được bộ phim có bối cảnh chiến tranh kỹ càng như vậy. Đó cũng là một phần khiến phim thuyết phục người xem, bên cạnh tư tưởng bình dị và gần gũi về cuộc chiến.
Đứng trước Thu Hà người đàn ông nào chẳng rung rinh (cười). Nói vui vậy thôi, chúng tôi thời ấy làm phim vui lắm. Cả đoàn ở trong bản người Thái, diễn viên ở cùng dân cũng đi tắm suối, đêm đến đốt lửa nướng khoai, ca hát y như không khí ra trận.
Là diễn viên giàu kinh nghiệm, một trong những người tiên phong mở hãng phim tư nhân đầu tiên ở Việt Nam nhưng vì đâu anh chưa thực hiện bộ phim về đề tài chiến tranh? Phải chăng sân khấu mới thực sự là niềm đam mê lớn nhất của anh?
Cũng không hẳn thế, thôi thích làm phim chiến tranh lắm. Trong cuộc chiến giữa ranh giới cái sống và cái chết, nhiều chuyện xảy ra hấp dẫn lắm. Tuy nhiên phim chiến tranh đòi hỏi kinh phí lớn, với nhiều hãng tư nhân khó làm được, hoặc làm được mà không tới thì tôi nghĩ tốt nhất đừng làm. Tôi nghĩ nếu không có sự bảo trợ, hỗ trợ của nhà nước khó làm được những bộ phim chiến tranh lớn.
Sân khấu cũng là niềm đam mê, tình yêu lớn của tôi. Sau Nữ ca sỹ hói đầu, tôi đang chuẩn bị một số dự án tiếp tục theo đuổi phương pháp ước lệ biểu hiện.
Cảm ơn anh!