Quay lưng với EU, Hungary sẽ thanh toán tiền mua gas Nga bằng rúp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 6/4, Hungary cho biết nước này đang chuẩn bị cho việc thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga bằng rúp, dù Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng tạo ra một mặt trận thống nhất để phản đối yêu cầu này của Nga.
Quay lưng với EU, Hungary sẽ thanh toán tiền mua gas Nga bằng rúp ảnh 1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: AP

Trả lời câu hỏi tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định Hungary sẽ thanh toán bằng tiền rúp nếu Nga yêu cầu như vậy.

Đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo châu Âu có thể sẽ bị cắt nguồn cung khí đốt nếu không thanh toán bằng tiền rúp.

Còn vài tuần nữa trước khi đến hạn thanh toán hóa đơn, Hội đồng châu Âu tuyên bố những nước ký hợp đồng thanh toán bằng euro hoặc đô la Mỹ phải thực hiện đúng như vậy.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng EU “không có vai trò gì” trong thoả thuận mua khí đốt giữa Hungary và Nga.

Hungary là một trong số ít quốc gia thành viên EU phản đối trừng phạt năng lượng đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Chính phủ của Thủ tướng Orban có quan hệ hợp tác gần gũi với Mátxcơva trong thập kỷ qua. Ông Orban vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, một phần nhờ cam kết bảo đảm an ninh khí đốt cho các gia đình Hungary.

Dù phản đối yêu cầu của Nga, các chính phủ châu Âu đang bàn về vấn đề này với các công ty năng lượng. Hơn 1/3 lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu đến từ Nga.

Đầu tuần này, Slovakia tuyên bố sẽ hành động thống nhất với EU. PGNiG - công ty khí đốt lớn nhất của Ba Lan – duy trì quan điểm rằng hợp đồng mà họ ký với tập đoàn khí đốt Nga Gazprom mang tính ràng buộc với cả hai bên. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Tập đoàn OMV của Áo và Gazprom đã ký hợp đồng ban đầu về việc thanh toán tiền mua khí đốt bằng rúp, phát ngôn viên của OMV cho biết cuối tuần trước, dù Chính phủ Áo nói rằng không có cơ sở nào để yêu cầu thanh toán bằng loại tiền khác ngoài euro và đô la Mỹ.

Ngoại trưởng Ukraine cho rằng cần cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga, nhưng EU đến nay vẫn chưa đi xa đến như vậy, mà chỉ đề xuất lệnh cấm nhập than và các sản phẩm khác.

Hợp đồng mua khí đốt của Serbia sẽ hết hạn vào ngày 31/5 tới. Văn phòng Chính phủ Serbia vừa cho biết cần đàm phán với Nga về hợp đồng mới sớm nhất có thể.

Hãng cung cấp khí đốt lớn nhất của Latvia, với 1/3 cổ phần thuộc sở hữu của Gazprom, cho biết họ đang cân nhắc việc thanh toán bằng euro hay rúp, dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Latvia tuyên bố nước này không ủng hộ thanh toán bằng rúp, và EU cần có cách tiếp cận chung.

Lithuania là nước châu Âu đầu tiên tuyên bố sẽ không nhập khí đốt từ Nga nữa.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.