“Chúng tôi sẽ cấm nhập tất cả dầu khí từ Nga. Điều đó có nghĩa là dầu của Nga sẽ không được chấp nhập tại các cảng của Mỹ và người Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh nữa vào ông Putin”, Tổng thống Biden nói với báo chí tại Nhà Trắng. Giá dầu tăng ngay lập tức sau thông tin này. Giá dầu Brent giao trong tháng 5 tăng thêm 5,4% lên 129,91 USD/thùng. Ông Biden đang làm việc với các đồng minh ở châu Âu để cô lập hơn nữa nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Ngay sau thông báo của ông Biden, Anh cho biết sẽ dừng nhập dầu khí của Nga từ cuối năm nay.
Mỹ nhập trung bình hơn 20,4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế mỗi tháng từ Nga trong năm 2021, tương đương khoảng 8% tổng lượng nhiên liệu nhập khẩu, theo thông tin từ Cục Thông tin năng lượng Mỹ. Lệnh cấm này dự kiến sẽ càng đẩy giá xăng và lạm phát lên cao hơn nữa. Bên cạnh đó, Mỹ còn cấm nhập khẩu than đá từ Nga. Ông Biden thừa nhận giá cả sẽ tăng sau bước đi này, nhưng cam kết sẽ làm mọi thứ có thể để giảm thiểu tác động lên người dân Mỹ. Ông cũng cảnh báo các công ty xăng dầu ở Mỹ chớ lợi dụng tình hình để tăng giá phi lý.
Ông Biden bị chỉ trích khi muốn hàn gắn với Ả-rập Xê-út vì dầu mỏ
Tổng thống Mỹ vấp phải nhiều chỉ trích sau khi có thông tin rằng Nhà Trắng đang lên kế hoạch cho một chuyến thăm Ả-rập Xê-út để bàn về việc cung cấp dầu mỏ cho thị trường toàn cầu. Ngày 6/3, Axios đưa tin, các cố vấn cấp cao của ông Biden đang tính tổ chức một chuyến thăm trong mùa xuân này đến Ả-rập Xê-út nhằm cải thiện quan hệ song phương và đề nghị Ả-rập Xê-út tăng lượng dầu xuất khẩu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 tuyên bố cấm nhập dầu Nga. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp báo đầu tuần này, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki không xác nhận kế hoạch đó, nhưng cho biết các quan chức cấp cao trong chính quyền đã thăm Ả-rập Xê-út vào tháng trước để “thảo luận về hàng loạt vấn đề, trong đó có cuộc chiến ở Yemen, an ninh khu vực và cả an ninh năng lượng”. “Họ đã thảo luận việc giảm tác động lên thị trường dầu toàn cầu vì lợi ích của tất cả mọi người”, bà Psaki nói.
Việc Mỹ cấm nhập dầu khí Nga sẽ có tác động lớn đến Mỹ và các đồng minh, nhất là châu Âu. Năm 2019, Nga chiếm 41% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào các nước châu Âu. Nếu một nước có trữ lượng dầu mỏ lớn như Ả-rập Xê-út hay Venezuela tăng xuất khẩu vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), lượng đó có thể bù đắp vào khoảng trống mà lệnh cấm tạo ra. Bà Psaki xác nhận rằng, một nhóm cố vấn của ông Biden đã đến Caracas vào cuối tuần qua để gặp các quan chức Venezuela, nhưng không khẳng định liệu Nhà Trắng có sớm nới lỏng trừng phạt dầu khí Venezuela hay không.
Nỗ lực tìm nguồn thay thế từ Ả-rập Xê-út đang vấp phải phản ứng giận dữ từ một số nghị sĩ Mỹ. Nghị sĩ Ilhan Omar, một thành viên trong nhóm “Bộ tứ” ở Hạ viện Mỹ, cho rằng Tổng thống Biden đang nhắm mắt làm ngơ trước những “tội ác chiến tranh” của Ả-rập Xê-út ở Yemen. “Phản ứng của chúng ta với chiến dịch của ông Putin ở Ukraine không nên là tăng cường quan hệ với Ả-rập Xê-út, nước đang gây ra khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên hành tinh ở Yemen. Yemen không có ý nghĩa về địa chính trị với một số người, nhưng cần quan tâm đến vấn đề nhân đạo”, ông Omar viết trên Twitter.
Phe Cộng hoà nói rằng việc chính quyền Mỹ hàn gắn với Ả-rập Xê-út và Venezuela cho thấy sự cần thiết phải tăng cường khai thác dầu trong nước. “Mỹ có thể dễ dàng thay thế dầu của ông Putin bằng cách tự mình làm ra nhiều hơn”, ông Marco Rubio, thành viên hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, viết trên Twitter. Tăng cường khai thác dầu trong nước sẽ đi ngược lại cam kết của ông Biden về việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và đưa Mỹ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Chống biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột hành động chính của đảng Dân chủ.
Venezuela khó thay thế nguồn dầu từ Nga
Chuyến thăm gần đây của 2 quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đến Venezuela cuối tuần qua được coi là dấu hiệu cho thấy cân bằng địa - chính trị có thể thay đổi như thế nào sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Juan Gonzalez và trưởng bộ phận xử lý các vấn đề về Venezuela James Story đã có cuộc gặp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và phu nhân ngày 5/3. Đây là hoạt động trao đổi ngoại giao đầu tiên kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ vào năm 2019.
Tin tức về sự kiện tập trung vào khả năng Nhà Trắng sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đã áp với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela trong những năm gần đây để có thể thay thế dầu từ Nga. Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, và trước đây phần lớn dầu thô ở nước này được bán cho các công ty lọc hoá dầu ở Mỹ.
Tại cuộc gặp nói trên, ông Maduro khẳng định Venezuela muốn tăng sản lượng dầu mỏ, trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm vì lệnh cấm của Mỹ. “Chúng tôi sẵn sàng khôi phục sản xuất. Một, hai, hoặc ba triệu thùng, mọi thứ! Mọi thứ nhân danh hoà bình”, ông Maduro nói.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 tuyên bố cấm nhập khẩu xăng dầu Nga, giá dầu Brent giao trong tháng 5 tăng thêm 5,4% lên 129,91 USD/thùng. Ông đang làm việc với các đồng minh ở châu Âu để cô lập hơn nữa nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.
Sản lượng khai thác dầu của Venezuela đang ở mức thấp chưa từng thấy, sau nhiều năm quản lý không đúng cách và các nhà máy lọc dầu bị bỏ mặc. Theo các chuyên gia, có thể phải mất vài năm và hàng tỷ USD đầu tư nữa mới có thể khôi phục ngành xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela như trước đây. “Venezuela không thể đóng góp nhiều, vì ngành dầu khí đã bị phá huỷ”, José Toro Hardy, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Venezuela, nói với Forbes. Theo số liệu từ chuyên gia này, sẽ cần đầu tư khoảng 250 tỷ USD và mất 7-8 năm mới hồi phục được ngành công nghiệp dầu khí như trước đây, với đỉnh điểm là 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 1998.
Tổng thống Maduro khẳng định Venezuela đang khai thác khoảng 1 triệu thùng dầu thô/ngày, nhưng báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy sản lượng của Venezuela trong tháng 1 chỉ khoảng 668.000 thùng. Vào tháng 12/2018, không lâu trước khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm nhập khẩu dầu để trừng phạt chính quyền của ông Maduro, Mỹ nhập khoảng 200.000 thùng/ngày từ Venezuela.
Vì thế, Nhà Trắng cần một giải pháp ngắn hạn khác để hạ giá xăng dầu ngay trước mắt, để thay thế 245.000 thùng dầu thô/ngày đang mua từ Nga sau khi đã áp lệnh cấm. Một nguồn cung khác cũng có thể bù đắp cho thiếu hụt từ Nga là Iran. Tuy nhiên, nỗ lực nhằm đạt được một thoả thuận hạt nhân với Tehran đang gặp trở ngại. Ngày 8/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng Iran đang cố tăng thêm điều kiện để có thể đồng ý với thoả thuận.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó nói rằng Mátxcơva vẫn cam kết cứu vãn thoả thuận với Iran, dù Nga muốn một sự bảo đảm bằng văn bản rằng các lệnh trừng phạt phương Tây áp với Nga vì chiến dịch ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến những thoả thuận trong tương lai giữa Nga với Iran. Bà Nuland đã nói “không” khi được hỏi trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng liệu chính quyền có bảo đảm cho Nga được trao đổi thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự với Iran mà không bị trừng phạt không. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng thoả thuận hạt nhân Iran và vấn đề Ukraine hoàn toàn khác nhau.