Cuộc đàm phán vòng 3 giữa phái đoàn Nga (phải) và Ukraine (trái) tối 7/3 ở Belarus. Ảnh: CGTN |
Trưởng đoàn đàm phán của Nga, Trợ lý tổng thống Vladimir Medinsky, nói rằng những kỳ vọng của Mátxcơva đã không thành hiện thực. Trong khi đó Cố vấn văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak thừa nhận hai bên không đạt được thoả thuận nào có thể cải thiện đáng kể tình hình hiện tại.
Vấn đề hành lang nhân đạo
Phía Nga bày tỏ hy vọng rằng các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các khu vực có xung đột sẽ bắt đầu hoạt động như bình thường từ ngày 8/3. Trước đó, các cuộc sơ tán liên tục bị gián đoạn vì Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau không tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Về các vấn đề trong việc mở hành lang nhân đạo, Trợ lý Tổng thống Nga đổ lỗi cho chỉ huy quân đội Ukraine tại các địa phương và cáo buộc những người này không tuân theo mệnh lệnh của cấp trên, chính quyền.
Đại diện Ukraine, ông Mikhail Podolyak cho biết trong một video được tải lên Twitter rằng hai bên đã đồng ý với một số thay đổi trong công tác hậu cần giúp hỗ trợ thường dân hiệu quả hơn, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Dàn xếp chính trị
Ông Medinsky cho biết phái đoàn Nga đã mang đến cuộc đàm phán các dự thảo và đề xuất cụ thể với hy vọng ký được "ít nhất một nghị định thư" liên quan đến các nội dung đã được 2 bên đồng ý về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, phái đoàn Ukraine “đã mang những dự thảo này về để nghiên cứu thêm”.
Các đề xuất của Nga, theo Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Leonid Slutsky, bao gồm "các khía cạnh chính trị, phi phát xít hóa, ngôn ngữ Nga và tất nhiên, mọi thứ liên quan đến tình trạng trung lập và phi quân sự hóa."
Ông nhấn mạnh rằng lập trường của Mátxcơva về những vấn đề này "không phải là cơ sở để tham vấn thêm, mà là nền tảng không thể lay chuyển."
Trước cuộc họp, David Akhramiya - một trong những người tham gia phái đoàn Ukraine, cho biết Mátxcơva và Kiev có thể đạt được một thỏa hiệp với tất cả các vấn đề ngoại trừ tình trạng của Crimea và các nước cộng hòa Donbass. Ông cho rằng việc Kiev công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận nền độc lập của Lugansk - Donetsk sẽ là "không thể chấp nhận được đối với xã hội Ukraine."
Trong khi đó, Mátxcơva đã nhiều lần nói rằng việc công nhận các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk cũng như chủ quyền của Nga đối với Crimea và Sevastopol là lập trường kiên định của họ.
Vòng đàm phán thứ tư
Các cuộc đàm phán Nga - Ukraine sẽ được tiếp tục và Mátxcơva hy vọng rằng “sẽ có những kết quả đáng kể hơn”, ông Medinsky nói.
Thời gian và địa điểm cụ thể của vòng đàm phán thứ 4 chưa được tiết lộ. Nhưng ông Leonid Slutsky cho biết cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Belarus trong tương lai gần.
Ông Slutsky cảnh báo rằng quá trình đàm phán sẽ không dễ dàng và mất nhiều thời gian. "Chúng ta đừng ảo tưởng rằng kết quả cuối cùng chỉ cách chúng ta 1 hoặc 2 bước đàm phán. Phía trước còn rất nhiều việc phải làm.”
Trước đó hãng thông tấn Interfax đưa tin vòng đàm phán thứ 3 giữa phái đoàn Nga và Ukraine đã bắt đầu vào lúc khoảng 21h30' tối 7/3 (giờ Việt Nam).
Phát biểu chiều cùng ngày, Trợ lý Tổng thống Nga - Vladimir Medinsky cho biết nội dung của vòng đàm phán lần này sẽ giống với 2 vòng trước đó.
“Các vấn đề tương tự sẽ được thảo luận, bao gồm 3 nhóm vấn đề: chính trị nội bộ, nhân đạo quốc tế và dàn xếp quân sự”, ông Medinsky nói với phóng viên, đồng thời cho biết Nga sẽ cố gắng thảo luận lại với Ukraine về việc tổ chức các hành lang nhân đạo.
Trước đó, cuộc đàm phán Nga - Ukraine đầu tiên được tổ chức tại vùng Gomel (Belarus) hôm 28/2, kéo dài khoảng năm tiếng đồng hồ. Phái đoàn Nga do ông Vladimir Medinsky dẫn đầu.
Cuộc đàm phán thứ hai diễn ra vào ngày 3/3, cũng tại Belarus. Ông Medinsky mô tả các thỏa thuận đạt được trong vòng này là một tiến bộ nghiêm túc. Đặc biệt, Mátxcơva và Kiev đã đạt được thỏa thuận về hành lang nhân đạo cho dân thường.
Điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đặt kỳ vọng vào lập trường hợp lý và mang tính xây dựng của phía Ukraine trong các cuộc đàm phán tương lai với Nga.
Tổng thống Putin nhắc lại rằng Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine và tất cả những ai muốn hoà bình ở Ukraine, nhưng với điều kiện phải đáp ứng các đề nghị của Mátxcơva.
Những đề nghị này bao gồm việc Ukraine phải giữ lập trường trung lập và duy trì trạng thái phi hạt nhân; phi quân sự hoá - phi phát xít hoá đất nước; công nhận Crimea là một phần của Nga; công nhận chủ quyền của “Cộng hoà Nhân dân Donetsk” và “Cộng hoà Nhân dân Lugansk” trong biên giới hành chính của các khu vực Donetsk và Lugansk.