Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau cuộc họp ngày 12/1 tại Brussels. (Ảnh: Reuters) |
Khác biệt trong quan điểm giữa Nga với Mỹ và đồng minh thể hiện rõ rệt sau 4 giờ đồng hồ đàm phán ở Brussels. Đây là cuộc đàm phán thứ hai trong tuần này nhằm tháo ngòi khủng hoảng ở khu vực biên giới Nga – Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng liên minh này sẵn sàng đối thoại về vũ khí nhưng sẽ không để Nga có quyền phủ quyết mong muốn của Ukraine về việc trở thành thành viên của NATO vào một ngày nào đó. Đây là yêu cầu cốt lõi mà Nga tuyên bố không thể từ bỏ.
“Có nguy cơ thực sự sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Âu. Có những khác biệt đáng kể giữa các đồng minh NATO và Nga. Khác biệt của chúng tôi sẽ không dễ thu hẹp”, ông Stoltenberg nói tại một cuộc họp báo.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng Mátxcơva sẵn sàng đối thoại về việc triển khai vũ khí và biện pháp thẩm tra, nhưng sẽ không để các đề xuất của mình bị nhặt ra từng ý một.
Tại cuộc họp báo, ông Grushko nói rằng Nga không tin tuyên bố của NATO rằng liên minh này không đe doạ Nga, và Mátxcơva sẽ đáp trả tương xứng với bất kỳ nỗ lực nào nhằm kiềm chế hay đe doạ họ.
“Nếu có một cuộc tìm kiếm những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga thì cũng có một cuộc tìm kiếm điểm yếu ở NATO”, ông Grushko nói.
“Đây không phải lựa chọn của chúng tôi, nhưng sẽ không còn con đường nào khác nếu chúng ta không thể đảo ngược lộ trình rất nguy hiểm hiện nay”, Thứ trưởng Grushko nói.
Interfax dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói rằng NATO đang “phớt lờ” các đề xuất an ninh của Nga và gây ra nguy cơ “sự cố hoặc xung đột”.
Tiến trình đàm phán sẽ tiếp tục trong ngày 13/1 với cuộc gặp tại Vienna giữa Nga với Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), vào thời điểm quan hệ Đông – Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nga phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng nói rằng họ cần hàng loạt bảo đảm cho an ninh của họ, bao gồm việc NATO dừng mở rộng về phía đông và rút liên quân khỏi các quốc gia trung và đông châu Âu gia nhập NATO sau năm 1997.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhắc lại quan điểm rằng những yêu cầu đó không được chấp nhận.
Bà Sheran nói với báo chí rằng thật khó hiểu vì sao một nước có vũ khí hạt nhân như Nga lại thấy bị các nước nhỏ hơn đe doạ và vì sao Mátxcơva vẫn tiến hành tập trận bắn đạn thật gần biên giới Ukraine.
Dù cách xa về quan điểm, ông Stoltenberg nói rằng một điều tích cực là cả 30 quốc gia thành viên NATO và Nga “đã ngồi xuống cùng nhau và thảo luận về các chủ đề thực chất”.
Thứ trưởng Grushko nói rằng các bên có thể đạt được tiến triển, nhưng có một số lĩnh vực Nga không thể nhượng bộ.
Ông nói Mátxcơva muốn nhận được câu trả lời bằng văn bản từ NATO về việc có thực hiện các đề xuất của Nga hay không, nếu không thì vì sao.