“Như Tổng thống Alexander Lukashenko đã nói, chúng tôi đang xem xét khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus để đối phó với các động thái mà NATO có thể tiến hành trong tương lai trên lãnh thổ Ba Lan”, Ngoại trưởng Belarus - Vladimir Makei nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với RT.
Ông Makei nhấn mạnh Belarus “có nhiều lựa chọn khác ít kịch tính hơn để trả đũa các động thái thù địch của phương Tây, bao gồm cả các biện pháp kinh tế như cho dừng đường ống khí đốt dẫn vào Tây Âu qua lãnh thổ nước này.”
“Đó chỉ là một trong những biện pháp đáp trả khả thi đối với các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Belarus”, ông Makei nói.
Trước đó hồi cuối tháng 11, Tổng thống Lukashenko đã mời Nga triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus nếu Mỹ đưa bom nguyên tử đến Đông Âu. “Tôi đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus”, ông Lukashenko nói.
Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Belarus đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và tự nguyện từ bỏ một phần kho vũ khí mà nước này nắm giữ. Số vũ khí hạt nhân còn lại được đưa trở lại Nga vào cuối năm 1996.
Theo ông Lukashenko, việc khôi phục lực lượng răn đe hạt nhân từ thời Liên Xô trên lãnh thổ Belarus “sẽ là biện pháp hiệu quả nhất trong trường hợp này”.
“Tôi không nói suông”, ông Lukashenko nhấn mạnh, nhưng không nói rõ ông muốn Mátxcơva triển khai loại vũ khí nào, và tuyên bố rằng việc này sẽ được thực hiện với sự đồng ý của cả hai bên.
Mối quan hệ giữa Minsk và phương Tây đã xấu đi trong vài tháng gần đây sau khi hàng ngàn người di cư đổ về biên giới Belarus với mong muốn được tị nạn ở Ba Lan.
Belarus cáo buộc Ba Lan ngược đãi những người di cư, chủ yếu đến từ Trung Đông. Ngược lại, các nhà chức trách Ba Lan chỉ trích Minsk vì cố tình châm ngòi cho cuộc khủng hoảng di cư bằng cách đưa người tị nạn đến biên giới để gây sức ép cho Liên minh châu Âu (EU).