Giấc mơ Đông Nam Á và giá trị của AFF Cup

0:00 / 0:00
0:00
Singapore và Philippines trình diễn thứ bóng đá tốc độ và đầy sức mạnh, thể hiện sự tiến bộ về trình độ thời gian gần đây
Singapore và Philippines trình diễn thứ bóng đá tốc độ và đầy sức mạnh, thể hiện sự tiến bộ về trình độ thời gian gần đây
TP - AFF Cup đang trở nên hấp dẫn hơn người ta tưởng bởi tính cạnh tranh được cải thiện, tham vọng của các đội bóng, và nhắc nhở tất cả rằng giải “ao làng” này vẫn thực sự có giá trị.

Năm ngoái, New Straits Times, tờ báo tiếng Anh của Malaysia, có bài phân tích về triển vọng dự World Cup của bóng đá Đông Nam Á. Một thực tế đáng buồn là khu vực có tổng dân số 650 triệu, chiếm gần 10% dân số thế giới, đồng thời tự hào với tình yêu cuồng nhiệt với môn thể thao vua, lại là kẻ ngoài cuộc ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Điều này chắc chắn cũng không thay đổi trong tương lai gần.

Trong bài viết, New Straits Times cho rằng AFF Cup “là một sự lãng phí thời gian”, và “các quốc gia Đông Nam Á phải ngừng xem trọng giải đấu này bởi tiêu chuẩn của nó quá thấp”. Nhận định này không phải không có lý bởi chính chúng ta vẫn thường gọi AFF Cup (và SEA Games) là giải “ao làng”.

Mặc dù vậy, sẽ là hơi quá nếu nói tham dự AFF Cup chỉ lãng phí thời gian. Vì vẫn thường được gọi là vùng trũng của bóng đá thế giới, giải đấu ra đời để tạo sân chơi, đồng thời thúc đẩy sự tiến bộ của bóng đá Đông Nam Á. Sau giai đoạn đầu được thống trị bởi Thái Lan, AFF Cup dần trở nên cân bằng và rất cạnh tranh.

Trong 8 kỳ gần nhất có tới 5 nhà vô địch khác nhau, đồng thời những đội thường bị đánh giá thấp như Myanmar hay Philipines cũng đi tới bán kết. Tại AFF Cup 2020 lần này, có đến một nửa số đội đặt mục tiêu vô địch (và có khả năng vô địch). Sau những trận đầu tiên, càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy sự phát triển của bóng đá Đông Nam Á.

Các kết quả chênh lệch không còn xuất hiện. Timor-Leste chỉ thua Thái Lan 0-2 sau một trận đấu đầy cố gắng. Thất bại trước Việt Nam với tỷ số tương tự cũng là chấp nhận được với Lào. Bên cạnh đó, việc 6/10 đội có cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu cũng nói lên nỗ lực nâng cấp bản thân của họ. Không dừng lại ở đó, nhiều đội cũng cố xây dựng tư duy chơi bóng hiện đại và học hỏi những nền bóng đá tiên tiến.

Singapore đang triển khai dự án Unleash the Roar, trong đó có việc định hình lối chơi xuyên suốt ở các cấp độ đội tuyển. Hai trận đã qua, đội quân của HLV Tasuma Yoshida gây ấn tượng mạnh với một hệ thống được tổ chức tốt, phương án triển khai tấn công hiện đại và cấu trúc rõ ràng.

Không có gì ngạc nhiên bởi Singapore luôn là đất nước giàu tham vọng và luôn theo đuổi tấm vé dự World Cup. Nhưng ngay cả Campuchia cũng không cam chịu mãi là phận lót đường. Họ đi theo mô hình bóng đá của Nhật Bản dựa trên các yếu tố kỷ luật và khoa học. Dĩ nhiên, Campuchia sẽ phải trải qua một hành trình dài để tới thành công.

Vì bóng đá là số một ở Đông Nam Á, mọi quốc gia đều ôm ấp giấc mộng hóa rồng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cần thời gian. Thái Lan từng thất bại ở vòng loại cuối World Cup 2018 và Việt Nam cũng không làm tốt hơn ở vòng loại World Cup 2022. Trong lúc chờ đợi cơ hội lần sau, AFF Cup chính là nơi thích hợp để hoàn thiện, thử nghiệm các ý tưởng mới và tìm kiếm nhân tố mới.

Điều quan trọng hơn cả, AFF Cup mang đến cơ hội để sở hữu một danh hiệu. Mọi đội bóng đều cần danh hiệu để xác tín cho thành công và đó cũng là mốc son trong sự nghiệp mỗi cầu thủ. Chính vì thế, nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở nhiều nơi trên thế giới sẵn sàng đại diện cho một đội ở Đông Nam Á.

Với Việt Nam, chúng ta cần kéo dài chuỗi thành công trong những năm qua bằng việc vô địch một lần nữa. Đây cũng là cách để áp đặt sự thống trị dài hạn trong khu vực như Thái Lan từng làm, tạo thành bàn đạp để tiếp tục vươn tới những mục tiêu lớn hơn. Nói cách khác, trước khi chinh phục biển lớn, chúng ta cần làm chủ ao làng.

Vì vậy, dù AFF Cup hiện tại có thể không mang lại nhiều cảm xúc như thời còn là Tiger Cup, hay Cúp Con Cọp, song giá trị vẫn nguyên vẹn. Tất nhiên, không có gì là lãng phí thời gian.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.