Các chuyên gia y tế tại TPHCM cho biết, ở nhiều quốc gia vắc xin COVID-19 đã được chích ngừa cho phụ nữ đang mang thai và phụ nữ cho con bú. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh và diễn tiến nặng ở mức cao này chưa được chích ngừa. Trao đổi với Tiền Phong ngày 4/8, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, phụ nữ mang thai đang là nhóm trì hoãn trong chương trình tiêm chủng COVID-19.
Nhiều phụ nữ đang mang thai mắc COVID-19 được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương. |
Trên thực tế đã có nhiều thai phụ mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Hùng Vương, ngày 4/8 có 120 bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai đang được bác sĩ chăm sóc, theo dõi. Trong khi đó, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 hiện có 2 trường hợp phụ nữ mang thai đang phải thực hiện ECMO vì bệnh diễn tiến nặng ở mức nguy kịch. Các bác sĩ đang nỗ lực điều trị nhưng tiên lượng của hai trường hợp trên vẫn chưa thể nói trước.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị cho các thai phụ mắc COVID-19, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, từ khi dịch diễn biến phức tạp, bệnh viện đã chủ động chia làm hai khu vực, một bên phục vụ sản phụ bình thường, một bên phục vụ sản phụ đang mắc COVID-19.
“Việc điều trị cho thai phụ mắc COVID-19 khó gấp rất nhiều lần so với bệnh nhân bình thường khi cùng lúc chúng tôi phải điều trị cho hai người chứ không phải một. Khi mang thai, bản thân người mẹ có sức khỏe bình thường cũng có thể đã bị khó thở. Với các thai phụ mắc COVID-19 bị tổn thương đường hô hấp, nguy cơ thiếu oxy cho cơ thể sẽ tăng cao, việc giữ thai nhi khỏe mạnh là một điều rất khó”- BS Tuyết chia sẻ.
Một trường hợp thai phụ nguy kịch phải chạy ECMO, điều trị tích cực tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 |
Trong phân tầng điều trị của Bộ Y tế, các thai phụ cũng thuộc vào nhóm có nguy cơ cao có thể diễn biến nặng. Bên cạnh đó, việc điều trị COVID-19 hoàn toàn khác với chuyên khoa của lĩnh vực sản phụ khoa, nhi sơ sinh nên chính các bác sĩ cũng phải học về chuyên môn để thích ứng với tình hình dịch bệnh, đáp ứng điều trị cho người bệnh.
Các bác sĩ sản khoa khi tiếp nhận người bệnh đang cố gắng thực hiện mục tiêu chăm sóc hỗ trợ tốt nhất để thai phụ khi nhập viện không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ không chuyển sang trung bình. Nếu bệnh nhân đang có mức độ trung bình thì cố gắng không để chuyển sang nặng.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân có biểu hiện trở nặng, các bác sĩ sẽ phải đưa ra những quyết định rất khó khăn. PGS Diễm Tuyết nói: “Một khi bệnh nhân có biểu hiện trung bình sẽ cố gắng xem xét tình hình, em bé có thể nuôi được sẽ chấm dứt thai kỳ (mổ bắt con) để vừa có thể cứu được mẹ vừa cứu được con. Khi chấm dứt thai kỳ, nhu cầu oxy của cơ thể sản phụ sẽ giảm nên tình trạng suy hô hấp cũng giảm theo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu chữa”.