Người 'đánh thức' mỏ sắt lớn nhất Việt Nam

Người 'đánh thức' mỏ sắt lớn nhất Việt Nam
TP- Cuối những năm 1990, GS Nguyễn Huy Mỹ, được tiếp cận với các tài liệu về mỏ sắt Thạch Khê. Báo cáo nghiên cứu của ông cho thấy nếu “đánh thức” Thạch Khê, có thể đảm bảo nhu cầu sắt thép của cả nước trong vòng 30-40 năm tới.
Người 'đánh thức' mỏ sắt lớn nhất Việt Nam ảnh 1
Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ

Xưa kia, làng Trường Lưu trên đất Hà Tĩnh đã đóng góp cho đất nước nhiều học giả uyên thâm và nay tiếp tục sản sinh ra nhiều nhà khoa học ưu tú. Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ là một trong số đó.

Ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên LB Nga, Giáo sư Trường Tổng hợp kỹ thuật Năng lượng Matxcơva, Trưởng phòng Thí nghiệm Nga - Việt thuộc Viện Các Vấn đề quản lý - Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Lĩnh vực mà Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ làm việc là lĩnh vực còn rất mới mẻ với Việt  Nam: ngành điều khiển học kỹ thuật.

Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ cho biết: “Đó là việc xây dựng các thuật toán xác định đặc tính đối tượng để giúp cho việc lựa chọn các thuật toán, thiết bị điều khiển các quá trình sản xuất nhằm đạt chất lượng sản phẩm tốt. Việc tư vấn đúng cho nhà máy khi lựa chọn mua, lắp đặt, vận hành các hệ thống này thường mang lại lợi nhuận bằng khoảng 15-20% giá thành hệ thống”.

Cái mốc lớn nhất trong quá trình đóng góp cho đất nước của GS Nguyễn Huy Mỹ phải kể đến sự kiện năm 1989, khi Viện Các vấn đề quản lý LB Nga cùng với Viện Khoa học tính toán và điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) phối hợp thành lập Phòng thí nghiệm hỗn hợp Nga - Việt đặt tại Viện Các vấn đề quản lý.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ đã có nhiều đóng góp trong hoạt động hợp tác nghiên cứu Nga - Việt. Sau đó, ông trở thành người đứng đầu của phòng thí nghiệm này.

Ông đã cho ra đời hơn 60 công trình nghiên cứu và hơn 50 hợp đồng lớn nhỏ với các cơ sở. Các công trình nghiên cứu này đều đã được giới thiệu ở các hội nghị khoa học quốc tế, được đăng ở các tạp chí đầu ngành của Nga, Hungari, Đức.

Tuy nhiên, hoạt động ông dành  nhiều thời gian, tâm sức nhất là dự án lập Báo cáo khả thi khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Can Lộc.

Mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá là có trữ lượng lên tới hơn nửa tỷ tấn. Tuy nhiên, khai thác mỏ sắt này lại là một bài toán nan giải: Mỏ sắt Thạch Khê nằm gần biển lại có nhiều mạch nước ngầm và hàm lượng kẽm trong quặng khá lớn.

Hàng chục công ty nước ngoài đã thăm dò, khảo sát mỏ sắt Thạch Khê nhưng mỏ sắt lớn nhất Việt Nam vẫn “ngủ yên”. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ cùng các đồng nghiệp tại Nga đã tìm được lời giải cho bài toán này.

Từ cuối những năm 1990, lần đầu tiên, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ được tiếp cận với các tài liệu về mỏ sắt Thạch Khê. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia của Nga - nơi có nền công nghiệp luyện kim hàng đầu thế giới.

Tháng 4/2002, Tổng Cty Thép Việt Nam đã kí hợp đồng lập Báo cáo tiền khả thi khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê với Viện Các vấn đề quản lý - Liên bang Nga. Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ chính thức trở thành “một phần của mỏ sắt”.

Sau nhiều chuyến khảo sát cùng các chuyên gia, cuối năm 2004, báo cáo tiền khả thi dự án khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê được nghiệm thu.

Từng tư vấn cho nhiều nhà máy ở nhiều nước trên thế giới trong lựa chọn, lắp đặt và vận hành các loại máy móc, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ và các đồng nghiệp Nga đã đưa ra được các giải pháp và lựa chọn các thiết bị phù hợp để khai thác mỏ sắt và kiến nghị lựa chọn công nghệ xử lý luyện kim.

“Cỗ xe kẹt bánh” đã chuyển động khi báo cáo cho thấy việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê có thể cho hiệu suất kinh tế cao. Qua đó, tạo cơ sở để Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển kinh tế toàn vùng. Nếu “đánh thức” Thạch Khê, có thể đảm bảo nhu cầu sắt thép của cả nước trong vòng 30-40 năm tới.

Hiện, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị cho những công việc tiếp theo như: Xác định lại yêu cầu về các cơ sở dữ liệu để thiết kế khu mỏ và cách thu thập dữ liệu; Lựa chọn công nghệ luyện kim hợp lý; Yêu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở; Đảm bảo vấn đề môi trường...

Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ luôn nói rằng, so với các cụ dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, tài năng của ông “chẳng thấm vào đâu”. Nhưng nhiều bạn bè vẫn thường gọi ông là một “người đặc biệt”.

Nước Nga là một trong những quốc gia sở hữu nền khoa học phát triển nhất thế giới nhưng nếu các viện nghiên cứu của các nước phương Tây luôn có nhiều nhà khoa học đến từ nhiều nước, thì ở Nga, rất hiếm bóng dáng của người nước ngoài. Đơn giản bởi nước Nga có quá nhiều nhà khoa học xuất sắc.

Nhưng Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ là một trong những ngoại lệ hiếm hoi, một người nước ngoài hiếm hoi trong các viện nghiên cứu của Nga.

Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ sinh ra và lớn lên tại làng Trường Lưu, Trường Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông là hậu duệ trực hệ của dòng họ Nguyễn Huy. Khoảng 300 năm trước, làng Trường Lưu là nơi sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Người đã khơi nguồn cho đạo học của vùng đất ấy là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713- 1789). Sinh thời, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, từng là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm.

Con trai Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Tự, cháu nội là Nguyễn Huy Hổ đều là những những bậc văn tài thời bấy giờ. Cả Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Hổ đều lần lượt đã được công nhận là danh nhân văn hóa Việt Nam. Và hiện nay Nguyễn Huy Mỹ cùng những nhà khoa học của dòng họ này đang viết tiếp những trang vẻ vang về quê hương của mình.

MỚI - NÓNG