Phương pháp giảng dạy cần phong phú hơn

Phương pháp giảng dạy cần phong phú hơn
Nhóm PV báo Tuổi Trẻ vừa thực hiện một cuộc khảo sát bỏ túi nhằm ghi nhận những nỗ lực trong đổi mới phương pháp giảng dạy...
Phương pháp giảng dạy cần phong phú hơn ảnh 1
Cô Trịnh Thị Định hướng dẫn học sinh lớp 10A15 Trường THPT Võ Thị Sáu chơi trò chơi “đậu trắng - đậu đen” - Ảnh: Như Hùng

Cuộc khảo sát đã thu được ý kiến của 664 học sinh hai bậc THCS và THPT ở TP.HCM xoay quanh các câu hỏi: Bạn thích giáo viên sử dụng phương pháp nào trong bài giảng? Để học sinh hứng thú học tập hơn cần đổi mới những gì?...

Hầu hết ý kiến của học sinh khi được hỏi “bạn thích giáo viên sử dụng phương pháp nào trong bài giảng?” đều có chung một câu trả lời là thích cách học vận động, gắn với thực tế nhiều hơn, kiến thức mở ra cuộc sống chứ không chỉ trong khuôn khổ kiến thức môn học. Chỉ có 4,3% (xem bảng 1) học sinh THCS và 5% của học sinh THPT được khảo sát chọn phương pháp giảng dạy theo kiểu đọc - chép.

Trong khi đó có tới 67,5% muốn có hình ảnh minh họa cho bài giảng và 66,3% đề nghị các phương pháp giảng dạy khác như tổ chức cho học sinh đi thực tế, thảo luận - làm việc nhóm, sắm vai, thuyết trình. Nhiều ý kiến cho rằng thầy cô giáo nên giảng thêm những kiến thức cuộc sống có liên quan đến bài học, tổ chức trò chơi để học sinh có thể vừa học vừa chơi, thoải mái mà vẫn hiểu bài.

Để học sinh hứng thú học tập hơn cần đổi mới những gì? Có đến 54,7% (xem bảng 2) cho rằng giáo viên gần gũi với học sinh là yếu tố giúp học sinh hứng thú học tập hơn. Bên cạnh đó, gần một nửa ý kiến (49,5%) mong muốn có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy của giáo viên, 43,8% ý kiến muốn đổi mới chương trình học và 32,2% mong muốn sự thay đổi ở sách giáo khoa (SGK). Một số ý kiến cho biết thêm nếu giáo viên kích thích cho HS tự tìm hiểu về môn học sẽ yêu thích môn học đó hơn.

Có đến 59,9% cho rằng chương trình SGK như hiện nay quá nặng, quá sức và chỉ có 22,9% đánh giá chương trình vừa phải. Những ý kiến khác đều tập trung vào kiến thức trong SGK là một số quá dễ, một số quá khó, các ví dụ quá rườm rà, khó hiểu, chưa “thực tế hóa”, những môn vận dụng như sinh học, địa lý... mà chỉ đi trên lý thuyết suông khiến học sinh rất nản. Các bài học trong SGK ít tính thực tế, kiến thức lủng củng, nhiều phần không cần thiết, nội dung quá dài và chương trình học dày đặc, một số môn như toán, hóa cần rút ngắn lượng kiến thức...

Cuộc khảo sát còn ghi nhận những mong muốn của học sinh ở thầy cô giáo của mình. Nhiều ý kiến đồng ý sự gần gũi, quan tâm, thân thiện và hòa đồng với học sinh là yếu tố giúp học sinh yêu thích giờ học hơn.

Xin trích dẫn một số ý kiến: “Em mong thầy cô nên gần gũi hơn để mỗi khi vào lớp chúng em không cảm thấy lo sợ, hồi hộp. Nhất là khi bị chỉ định lên bảng làm bài tập, em rất lo lắng vì có những bài rất khó, sợ không giải được sẽ bị mắng. Khi chúng em không hiểu một vấn đề nào đó, hỏi thầy cô, thầy cô lớn tiếng là em cảm thấy rất áp lực, không thể tiếp thu bài được. Mong thầy cô không nên quá cáu gắt khi học sinh mắc phải những lỗi nhỏ. Em thật buồn khi biết có thầy cô phân biệt đối xử với lớp chọn và lớp thường”.

“Những giờ học để lại ấn tượng sâu sắc trong em là giáo viên dạy hay, hài hước, lắng nghe, tôn trọng ý kiến học sinh. Bài giảng sẽ sinh động khi thầy cô cho cả lớp thảo luận và thi đua giữa các nhóm để những giờ vật lý, toán, địa lý, giáo dục công dân… không còn khô khan”. “Những câu chuyện vui liên quan đến bài học giúp học sinh thư giãn hơn, nên cho nhiều bài tập thực hành hơn, đừng cho học quá nhiều lý thuyết, có thực hành mới nhớ lâu được”...

Bạn thích giáo viên sử dụng những phương pháp nào trong bài giảng?

NỘI DUNG

 

Bậc THCS (%)

 

Bậc THPT (%)

 

Tổng (%)

 

GV đọc - HS chép

 

4,3

 

5,0

 

4,7

 

Minh họa bằng hình ảnh

 

69,5

 

65,5

 

67,5

 

Ði thực tế

 

68,3

 

64,3

 

66,3

 

Trao đổi, làm việc nhóm…

 

55,1

 

42,2

 

48,5

 

Ra nhiều bài tập

 

7,4

 

9,7

 

8,6

 

HS sắm vai, thuyết trình

 

32,3

 

28,9

 

30,6

 

Ý kiến khác

 

8,6

 

3,8

 

6,2

 

Ðể học sinh hứng thú học tập hơn cần đổi mới những gì?

 

NỘI DUNG

 

Bậc THCS (%)

 

Bậc THPT (%)

 

Tổng (%)

 

Phương pháp giảng dạy của GV

 

50,1

 

49,0

 

49,5

 

Chương trình học

 

38,8

 

48,7

 

43,8

 

Sách giáo khoa

 

27,4

 

36,9

 

32,2

 

GV gần gũi với HS

 

56,9

 

52,5

 

54,7

 

Ý kiến khác

 

10,5

 

13,0

 

11,7

 

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG