Phục dựng nỏ thần: Bí ẩn xung quanh lẫy nỏ

Phục dựng nỏ thần: Bí ẩn xung quanh lẫy nỏ
TP - Nhiều bạn đọc đã liên lạc với toà soạn Tiền phong Cuối tuần bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về một chi tiết hết sức quan trọng, quyết định truyền thuyết nỏ thần Cổ Loa: lẫy nỏ có đúng bằng móng rùa hay không, và phục dựng như thế nào?
Phục dựng nỏ thần: Bí ẩn xung quanh lẫy nỏ ảnh 1
Lẫy nỏ cổ

Tiền phong Cuối tuần số 14 (từ ngày 9 đến 15-4-2010) đăng bài Phục dựng nỏ thần. Bài báo mô tả quá trình hai năm nghiên cứu kỳ công của một nhóm cán bộ thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, đã phục dựng thành công “nỏ thần” Cổ Loa và giải mã được nghệ thuật quân sự Việt Nam cách đây hơn 2000 năm.

Quá trình phục dựng thân nỏ, dây cung cũng như những mũi tên rất hấp dẫn, công phu, tuy nhiên sau khi báo ra, nhiều bạn đọc đã liên lạc với toà soạn băn khoăn, thắc mắc về một chi tiết hết sức quan trọng, quyết định truyền thuyết nỏ thần Cổ Loa: lẫy nỏ có đúng bằng móng rùa hay không, và phục dựng như thế nào?

Thượng úy Phạm Vũ Sơn, đại diện nhóm nghiên cứu và phục dựng nỏ thần cho biết: hiện nay chúng ta đã phát hiện được một số chiếc lẫy nỏ có niên đại khoảng trên dưới 2000 năm, gần trùng hoặc muộn hơn một chút so với niên đại của mũi tên phát hiện ở Cổ Loa và đều được làm bằng đồng.

Theo TS. Nguyễn Văn Việt (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á), đề tài nghiên cứu được phát triển theo các tuyến, nguồn tư liệu khác nhau như thư tịch cổ của Trung Quốc, Champa, các hình vẽ, phù điêu ở trên tường những ngôi mộ cổ, ở Angkor Watt, tư liệu dân tộc học… để lần theo “dấu vết” của những kỹ thuật sơ khai còn được lưu giữ trong từng nhóm tư liệu, để các kết quả đưa ra phải có logic và tính thuyết phục cao.   

Lẫy nỏ là một trong những bộ phận quan trọng của chiếc nỏ. Trong truyền thuyết lẫy này làm bằng móng rùa. Nhưng theo nhóm nghiên cứu, có thể Rùa là con vật Tổ được cư dân Việt cổ thời đó tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí “bảo bối” của mình nhằm làm tăng thêm sự thần kỳ và linh thiêng.

Trên thực tế, lẫy chỉ được làm bằng chất liệu đồng hoặc thậm chí bằng vật liệu tre gỗ. Lẫy nỏ giai đoạn này được cấu tạo gồm nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là nỏ “liên cơ”. Trong tiếng Hán, liên là liên hoàn, cơ là cơ quan (hay còn gọi là bộ phận).

Lẫy nỏ loại hình thành sớm thường gồm 3 bộ phận, nhưng lẫy nỏ giai đoạn sau này được phát triển lên đến 6 bộ phận là hộp cò, lẫy cò, chốt (thường có 2 chốt), thước ngắm.

Thượng úy Phạm Vũ Sơn cho biết, ban đầu, nhóm nghiên cứu phục dựng lẫy nỏ bằng gỗ để nghiên cứu chuyển động của lẫy. Sau đó, phục dựng hoàn chỉnh bằng đồng, với tỷ lệ hợp kim đúng như của lẫy nỏ cổ.

Việc nghiên cứu này rất khó khăn vì các lẫy nỏ khai quật được đều trong tình trạng gỉ sét, đóng cứng, nhưng lại rất đắt tiền vì đó là đồ cổ. Một số lẫy nỏ được lùng mua từ các nhà sưu tầm tư nhân, dù trong tình trạng “tiều tụy” cũng có giá từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Thậm chí có chiếc lẫy được phát giá tới 2000 USD nhưng thực sự chủ nhân không hề muốn bán.

Do khó khăn như vậy, nên nhóm nghiên cứu đã phải tính hướng “giải phẫu” những chiếc lẫy nỏ đã gỉ sét bằng cách dùng mũi tên chuyên dụng khoan vào thân lẫy nỏ cổ.

Mũi khoan có đường kính cực nhỏ, khoảng 0,01mm, nên sau khi khoan gần như không để lại vết tích và ảnh hưởng đến hiện vật của các nhà sưu tập cổ vật.

Phục dựng nỏ thần: Bí ẩn xung quanh lẫy nỏ ảnh 2

Nỏ Cổ Loa sau khi phục dựng

Chất liệu làm lẫy nỏ nằm trong mũi khoan, có thể rút ra mang đi phân tích. Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ hợp kim dùng để làm lẫy nỏ tương đồng với tỷ lệ làm mũi tên.

Những loại lẫy nỏ thông thường được làm bằng sừng hoặc gỗ tốt với cơ chế hoạt động hết sức đơn giản. Riêng lẫy nỏ bắng đồng giai đoạn văn hóa Đông Sơn đã đạt đến trình độ cao về cơ học.

Chứng tỏ cha ông ta thời đó đã có trình độ kỹ thuật, quân sự đáng kính nể. Lắp lẫy nỏ vào có tác dụng giữ được dây cung với độ căng rất lớn, đảm bảo cho mỗi lần bóp cò đạt hiệu quả cao.

Điều quan trọng nhất tạo nên sức thần của “nỏ thần Cổ Loa” có lẽ chính là họ đã biết phát triển kỹ thuật tạo ra những “chốt giữ liên hoàn” để có thể 1 lần bóp cò thì không những một chiếc nỏ bắn được nhiều tên mà nhiều chiếc nỏ như vậy cùng bắn tạo ra những “cơn mưa” mũi tên găm vào đội hình địch, không những làm sát thương mà còn làm tan đội hình, thế trận của kẻ thù.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.