Phụ gia thực phẩm "bẩn": Sợ vẫn dùng!

Phụ gia thực phẩm "bẩn": Sợ vẫn dùng!
TP – Cuộc truy lùng chất có nguy cơ gây ung thư DEHP hơn tuần qua cho thấy mức độ nguy hiểm của việc dùng hóa chất làm phụ gia thực phẩm. Biết thế, nhưng người tiêu dùng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác trong bối cảnh hệ thống quản lý hiện hành còn nhiều kẽ hở.

Kinh hoàng thực phẩm 'ngậm' hóa chất

BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Đăng ký và chứng nhận sản phẩm, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết:

Các kỹ nghệ gian dối như dùng chất phụ gia làm dẻo nhựa là DEHP để làm chất tạo đục ở Đài Loan. Tạo ra các mối nguy và nguy cơ mới mà pháp luật chưa quy định giới hạn cho phép. Khoa học đến nay chưa biết hết tác hại lâu dài của chúng vì chưa biết liều bị nhiễm thường xuyên trong các sản phẩm và trong dân chúng là bao nhiêu.

Ông nhận định tình hình DEHP ở VN hiện thế nào?

Hiện mới phát hiện một doanh nghiệp tên là Dục Thân của Đài Loan bán DEHP cho các công ty chế biến thực phẩm của một số nước và mới chỉ một công ty là New Choice Foods sử dụng chất này trong sản phẩm thạch rau câu hương khoai môn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, số nước, số công ty nước ngoài và số sản phẩm thuộc loại nguy cơ gian dối có thể sẽ tăng lên hoặc chưa bị phát hiện. Vì thế, không loại trừ khả năng những sản phẩm nguy cơ đó đã và sẽ được nhập vào Việt Nam.

Biện pháp của Cục ATVSTP là thu hồi một số nhãn thực phẩm cụ thể nghi chứa DEHP khó mà ngăn chặn được nguy cơ mà ông cảnh báo?

Chắc chắn Bộ Y tế sẽ triển khai các biện pháp để ngăn chặn những nguồn hàng này.

Nhưng, DEHP là một chất nhiễm bẩn luôn có ngoài môi trường, nhất là nước ngầm. Do đó nó cũng sẽ được phép có trong thực phẩm ở một liều nhất định có thể định lượng được?

Đúng thế. Vì vậy, chúng ta sẽ chờ xem Đài Loan, Trung Quốc và các nước, các vùng lãnh thổ phát triển sẽ quy định giới hạn cho phép thế nào đối với các sản phẩm giải khát có màu đục, các loại bột giải khát, viên sủi tạo thành có màu đục và xem họ phân tích nguy cơ thực sự của những sản phẩm chứa DEHP đến đâu.

Ông có biết bao giờ người ta mới bắt đầu bớt dùng hóa chất làm phụ gia thực phẩm không?

Tại các nước công nghiệp phát triển, xu hướng sử dụng hóa chất làm phụ gia thực phẩm đang giảm dần. Người ta ngày càng thích sử dụng đồ tươi sống và thực phẩm, được bảo quản bằng acid tự nhiên với độ pH thấp, hơn là dùng các hóa chất diệt khuẩn, diệt mốc.

Nhưng các thành phố đông dân vẫn bắt buộc phải cung cấp thực phẩm đông lạnh cho dân chúng? Mà đô thị hóa đang là xu thế không thể kìm hãm không chỉ ở nước ta.

Đó là một bất hạnh của cư dân thành phố so với cư dân nông thôn. Thực phẩm đông lạnh không còn các đặc tính tự nhiên của thực phẩm tươi nữa vì cấu trúc đã biến đổi. Quá trình rã đông làm mất các hương vị tự nhiên của hàng tươi sống. Vì thế, các phụ gia phải được sử dụng để khôi phục lại đặc tính giống tự nhiên ấy. Đấy là chưa kể, tại các nước đang phát triển như ở VN, người ta vẫn chuộng các sản phẩm công nghiệp hơn. Có lẽ vì chúng cũng bắt mắt, rẻ tiền hơn và bảo quản lâu hơn hàng tươi sống, đỡ vất vả đi chợ hằng ngày.

Làm gì để giúp người tiêu dùng đỡ hoảng hốt khi mà không chỉ DEHP chưa có quy định giới hạn an toàn?

Ngoài các quy định tối thiểu về ghi nhãn và kiểm soát quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm là những tiêu chí chắc chắn sẽ bảo vệ được người tiêu dùng. Trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng bắt buộc phải học cách đọc nhãn, trong đó ghi rõ thành phần cấu tạo và khuyến cáo, cảnh báo cần thiết.

Quy chuẩn là mức tối thiểu, do nhà nước quy định bắt buộc áp dụng, phải đạt được và thường liên quan đến các tiêu chí an toàn về vệ sinh hoặc dinh dưỡng hợp lý. Dinh dưỡng hợp lý phải phù hợp đối tượng sử dụng về tuổi tác, nghề nghiệp hoặc tình trạng thể chất, bệnh tật.

Dựa vào đâu để có thể biết sản phẩm có đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh hay không?

Tiêu chí an toàn về vệ sinh liên quan 4 yếu tố, gồm cảm quan, sinh học, hóa học và vật lý học. Cảm quan thì phải có mùi, vị, màu sắc tự nhiên, đặc trưng cho sản phẩm. 3 yếu tố còn lại phải định lượng được qua kiểm nghiệm. Các mức định lượng của những yếu tố này phải bảo vệ được cả số ít người tiêu dùng có sức đề kháng kém. Với người có cơ địa dị ứng với một vài thành phần cấu tạo, nhà sản xuất phải ghi nhãn cảnh báo cho các đối tượng này.

Để bảo vệ người ăn khỏi ngộ độc cấp tính bởi các yếu tố sinh học, mức cho phép phải thấp hơn vài trăm đến hàng ngàn lần mức nguy cơ gây bệnh tùy theo các yếu tố chất lượng của sản phẩm như độ ẩm, pH, hàm lượng đường, muối và quy cách bao gói, điều kiện bảo quản, trừ vài chủng hiếm có độc tính cao.

Về các yếu tố hóa học bảo vệ người ăn khỏi các bệnh mạn tính, mức cho phép thường thấp hơn cả trăm lần đối với các chất đã được thử nghiệm mạn tính trên động vật, 10 lần đối với chất đã thử nghiệm trên người tình nguyện và từ 2.000 lần đối với chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương không hồi phục.

Làm sao biết nhà sản xuất có làm đúng các tiêu chí an toàn vệ sinh? Hiện có đến 3 bộ quản lý vấn đề này.

TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam: Luật An toàn Thực phẩm phân công trách nhiệm quản lý phụ gia thực phẩm cho Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong mọi quá trình. Nhưng đầu vào thị trường Việt Nam lại nằm ở trọng điểm đầu ra các sản phẩm hàng hóa như cửa khẩu, công ty kinh doanh hóa chất, phụ gia, công ty chế biến thực phẩm bao gói sẵn. Thế này thì quản lý rối tinh. Người sản xuất và nhập khẩu phải chạy quanh 3 bộ này mới giải tỏa được hàng nhập khẩu. Đấy là chưa kể công bố hợp quy, chưa rõ phải vào cửa nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG