Phóng viên chiến trường Mỹ kỳ vọng quan hệ Việt - Mỹ

Từ trái qua: Ông Nick Út, ông Peter Arnett, bà Thảo Griffiths (đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam) và ông George Lewis trong buổi chia sẻ với báo chí chiều 6/5 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh.
Từ trái qua: Ông Nick Út, ông Peter Arnett, bà Thảo Griffiths (đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam) và ông George Lewis trong buổi chia sẻ với báo chí chiều 6/5 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh.
TP - Trở lại Việt Nam nhân 40 năm chiến tranh kết thúc, ông Peter Arnett, người từng ở Việt Nam suốt 13 năm, cùng các phóng viên chiến trường Mỹ khác, khẳng định lại ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Washington và bày tỏ kỳ vọng vào quan hệ giữa hai nước.

Ông George Lewis, phóng viên của hãng NBC ở Việt Nam trong 3 năm (1969 - 1972); phóng viên người Mỹ gốc Việt Nick Út, người chụp bức ảnh chiến tranh nổi tiếng về cô bé 9 tuổi Phạm Thị Kim Phúc thoát khỏi trận đánh bom napal của Mỹ năm 1972, cùng có mặt trong buổi chia sẻ với báo chí chiều 6/5 tại Hà Nội. Ông Lewis nói rằng, chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960 và 1970 là sự kiện lớn nhất thời đại. Là phóng viên ai cũng muốn đưa tin về cuộc chiến này, vì thế khi có cơ hội, ông đã lên đường sang Việt Nam ngay.

Có mặt ở Sài Gòn từ năm 1962 đến 1975 khi đang là phóng viên của hãng tin AP, ông Arnett cho biết, ông đã chứng kiến những chiếc trực thăng cuối cùng đưa lính Mỹ rời khỏi Việt Nam. Kỷ niệm mà ông nhớ mãi là chỉ vài giờ sau khi Sài Gòn được giải phóng, hai sĩ quan đại diện quân giải phóng đã đến thăm văn phòng đại diện của AP để gửi lời chúc bình an đến các phóng viên nước ngoài. Ông Arnett và các đồng nghiệp đã phỏng vấn hai sĩ quan này để gửi bài về đăng ngay ở Mỹ. Một ấn tượng sâu sắc khác đối với ông Arnett là sự ngã xuống của 4 phóng viên rất trẻ trên chiến trường Việt Nam, gồm một người Pháp gốc Việt, người anh trai của Nick Út và 2 phóng viên ảnh người Mỹ, và cái chết của nhiều lính Mỹ, những người bị chính phủ Mỹ lừa dối về sứ mệnh của họ ở miền Nam Việt Nam.

Nhìn lại cuộc chiến, ông Lewis và ông Arnett nói rằng, họ không thể tin tưởng chính phủ trong những vấn đề quan trọng như chiến tranh hay hòa bình. Những phóng viên chiến trường như ông Lewis, ông Arnett, ông Nick Út đã góp phần phơi bày bản chất thực sự của cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. 

Vừa đi lên vừa đi nhanh

Chia sẻ quan điểm về quan hệ Việt - Mỹ 20 năm bình thường hóa, ông Arnett nói rằng, cả chính phủ và người dân Mỹ đều thấy chiến tranh Việt Nam là lỗi lầm lớn của họ, không nên lặp lại. Vì thế, từ đó, bất kỳ quyết định can thiệp vào nước khác đều phải được cân nhắc xem có nguy cơ lặp lại chiến tranh Việt Nam không. “Người Mỹ không quên chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam có giá trị chiến lược quân sự trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, ông Arnett nói.

Nhà báo Lewis kể rằng, trong lần trở lại thăm Việt Nam lần này, đoàn của ông đã gặp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Đại sứ Mỹ dẫn lại lời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng quan hệ Mỹ - Việt phát triển nhanh nhất so với các nước khác. Khoảng 17.000 sinh viên đang học tại Mỹ, sau này trở về nước để giúp Việt Nam phát triển, thúc đẩy quan hệ hai nước. Quan hệ thương mại phát triển vượt bậc từ vài tỷ USD mấy năm trước lên 50 tỷ USD hiện nay. Quan hệ song phương Việt - Mỹ vừa đi lên vừa đi nhanh. “Những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến trong 2 tuần qua tại Việt Nam cho thấy nhận định của Ngoại trưởng Kerry là đúng”, ông Lewis nói.

Nhà báo Arnett cho rằng, lòng tin giữa hai chính phủ và nhân dân hai nước ngày càng tốt. “Dù hai bên có quan điểm khác nhau về cách vận hành chính phủ, nên không tránh khỏi việc quan chức Mỹ thường nhắc đến những vấn đề nhân quyền, tự do báo chí… nhưng họ đều hiểu rằng, quan hệ hai nước đang tốt lên và tốt hơn cho hòa bình của khu vực và thế giới”, ông Arnett nói.

Ông Peter Arnett và đoàn phóng viên chiến trường đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm 3/5 để tỏ lòng kính trọng và hôm nay (7/5) sẽ gặp gỡ các đồng nghiệp Việt Nam, những người đã đưa tin từ bên kia chiến tuyến để ôn lại việc đưa tin về chiến tranh Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.