Những bậc tam cấp lấn ra vỉa hè bị đập nham nhở trên phố Xã Đàn (Hà Nội) nay đã nhanh chóng được thay thế bởi các bậc tam cấp di động bằng gỗ. Những quán trà đá vỉa hè mưu sinh khắp các tuyến phố, hồi đầu “chiến dịch” chỉ dám thụt thò với mấy viên gạch kê làm ghế ngồi cho khách, nay đã chỗm trệ trên phố với ghế nhựa mới toanh. Vỉa hè đoạn trường ĐH Y Hà Nội trên phố Tôn Thất Tùng mới được lát đá phẳng phiu là thế, nhưng người đi bộ chỉ có thể sải bước và cảm nhận mức độ quang đãng thênh thang của nó đúng dịp “chiến dịch”, nay đi bộ vào đây hơi khó bởi đoạn vỉa hè đã nhanh chóng “biến hình” trở lại thành bãi đậu xe dày đặc như xưa. Cái vạch vôi được kẻ làm ranh giới, trong “chiến dịch” là bất khả xâm phạm, nay nhiều chỗ đã ngang nhiên bị lấn chiếm, xe máy dựng tràn lan ra ngoài vạch vôi… Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tình trạng tái lấn chiếm cũng diễn ra tương tự tại nhiều tuyến phố thuộc quận 1 TPHCM.
Tuy nhiên, công bằng mà nói “chiến dịch” này cũng như bao “chiến dịch” dọn dẹp lòng đường vỉa hè khác suốt cả mấy thập niên qua, đã giúp phố xá phong quang trật tự hơn, giúp cộng đồng và xã hội một lần nữa ý thức hơn về bổn phận phải tôn trọng không gian sống xung quanh mình, không nên sử dụng những cái không phải của mình. Và đây cũng là dịp để công luận được biết về một thực trạng đáng buồn, “80% quán bia vỉa hè có công an chống lưng” ở Hà Nội. Thông tin được Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra, theo một điều tra thời ông còn làm Giám đốc Công an thành phố, “trong 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng sau”.
Dẫn lại điều này để thấy, cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ không hề đơn giản chút nào. Đằng sau vỉa hè, chỗ này chỗ khác là chằng chịt các lợi ích đan xen. Mưu sinh có, trục lợi có và dường như cả lợi ích nhóm cũng có?
Thế nên, chắc chắn không thể giành lại vỉa hè theo kiểu rầm rộ ra quân, phá chỗ này, đập chỗ kia được. Càng không thể làm theo kiểu phong trào, lấy cảm hứng hay cách thức từ địa phương này truyền sang địa phương khác. Hàng trăm cây xanh hai bên đường liên thôn ở xã Cẩm Yên, Thạch Thất, Hà Nội bị đốn hạ không thương tiếc trong chiến dịch ra quân dọn dẹp vỉa hè là một ví dụ cho việc hành xử theo “phong trào”.
Cách thức duy nhất đúng đắn để giải quyết câu chuyện vỉa hè là phải có sự nghiên cứu thấu đáo về mọi phương diện, đánh giá tác động xã hội, chuẩn bị bài bản, lên kế hoạch một cách khoa học theo từng giai đoạn có tính đến yếu tố trình độ phát triển, giáo dục tuyên truyền ở mỗi địa phương. Tránh làm theo phong trào để rồi “đầu voi đuôi chuột”, đâu lại hoàn đấy như bấy lâu nay.