Phòng dịch, khám chữa bệnh còn yếu

Phòng dịch, khám chữa bệnh còn yếu
TP - Trong ngày làm việc cuối cùng (14-7) của kỳ họp, HĐND TPHCM khóa VIII dành trọn một buổi để các đại biểu, cử tri chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương và Sở Y tế, về chương trình bình ổn giá, công tác khám chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm…

> Bấp bênh từ lương đến bếp ăn công nhân

Bác sỹ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói. “Nhiều người chọn bệnh viện nước ngoài trong khi kiều bào lại có xu hướng về Việt Nam điều trị bệnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị bệnh viện trong nước tuy không hiện đại bằng, song trình độ đội ngũ y bác sỹ trong nước thì không hề thua sút so với các nước phát triển”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu nói rằng người dân đang bất an với công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh tại TPHCM. Đại biểu Nguyễn Ngọc Quế Trân nói. Người dân mong muốn có trạm y tế để chăm sóc sức khỏe, TPHCM cho xây trạm y tế, nhưng có nơi không có bác sỹ, trang thiết bị thiếu thốn…

Về việc nước kênh tù đọng khu vực cầu Băng Ky (quận Bình Thạnh) là ổ muỗi gây dịch sốt xuất huyết, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nói, thay vì khơi thông dòng chảy, ngành Y tế và địa phương lại phun thuốc diệt lăn quăng (bọ gậy) – một giải pháp không căn cơ và khiến dịch liên tục tái phát.

Đại biểu Thái Tuấn Chí thẳng thắn: Vừa qua, có một bệnh nhi bị sốt xuất huyết đến cơ sở y tế khám thì bác sỹ chẩn đoán là viêm họng. Đến khi phát hiện ra bệnh thì đã quá muộn. Bệnh nhân tử vong do bác sĩ yếu chuyên môn hay có vấn đề về y đức ?

BS Phạm Việt Thanh cho biết, để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên, TPHCM sẽ xây dựng hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh vệ tinh, như Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ xây dựng phòng khám tại quận Bình Thạnh. Đối với trường hợp bệnh nhi tử vong do chẩn đoán sai, Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở điều trị và những người liên quan giải trình và chuyển hồ sơ bệnh án về Sở để xem xét, xử lý trách nhiệm.

“TPHCM đang là đại công trường. Việc triển khai thi công các dự án đã làm nhiều con rạch bị tắc nghẽn dòng chảy. Nhiều hầm hào, hố móng công trình xuất hiện trở thành ao tù làm dịch muỗi phát sinh khắp nơi. Cần có sự tham gia của nhiều ngành, chỉ riêng ngành y tế không giải quyết nổi”, ông Thanh nói.

Các HTX sẽ bán hàng bình ổn giá ở chợ lẻ

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Lê Ngọc Đào, thành phố đã sử dụng hàng trăm tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá, trong đó có 10 doanh nghiệp (DN) nhận trên 25 tỷ đồng tham gia bình ổn giá sách vở, dụng cụ học tập; 4 DN nhận 10 tỷ đồng bình ổn giá thuốc chữa bệnh; 2 DN bình ổn giá sữa...

Chương trình xây dựng trên 3.600 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 449 điểm bán thuốc chữa bệnh, hơn 300 điểm bán sữa. TPHCM có kế hoạch làm việc với các HTX để đưa hàng bình ổn vào bán tại 30 chợ bán lẻ và khai trương 5 điểm bán đầu tiên tại huyện Cần Giờ trong tháng 7.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG