Phòng chống dịch COVID-19: Ứng phó với biến thể mới XBB

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 6/1, Bộ Y tế cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TPHCM.

Tuy nhiên, Bộ Y tế thông tin tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát, tỉ lệ mắc và tử vong do COVID-19 giảm mạnh; bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thuộc nhóm các quốc gia có tỉ lệ cao nhất trên thế giới.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.

Biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. WHO dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới. Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron; tuy nhiên vắc xin phòng COVID-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.

Kể từ ngày 8/1 Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại biên giới và bỏ lệnh cách li kiểm dịch, các chuyên gia dịch tễ cho rằng việc này không ảnh hưởng đến công tác chống dịch của Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam: “Chúng ta khó có nguy cơ bùng phát dịch do đã có tỉ lệ tiêm vắc xin cao, số người nhiễm cũng nhiều, đã có miễn dịch, không nên vì Trung Quốc mở cửa mà phải cấm hay xét nghiệm người nhập cảnh”.

Ông đồng thời nhấn mạnh thời điểm này chưa nên coi COVID-19 là bệnh lưu hành bởi WHO vẫn chưa công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp. Các quốc gia, các tổ chức y tế trên thế giới vẫn có khuyến cáo về dịch bệnh. Trong khi đó, biến thể virus mới liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vắc xin hoặc mắc bệnh) chưa ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhập cảnh, tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đồng thời tăng cường giải trình tự gen nhằm xác định biến thể và những biến thể phụ nào đang lưu hành. Đây đều là những biện pháp rất thận trọng, giúp chúng ta phát hiện liệu có đợt bùng dịch khác sẽ xảy ra hay không và để có sự chuẩn bị sẵn sàng. Bộ Y tế cũng đang tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng tránh COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Điều này thực sự quan trọng, vì mọi người đều có vai trò trong việc làm chậm quá trình lây truyền của virus.

Đại diện Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích, Việt Nam đã mở cửa giao thương đối với tất cả các nước. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa biên giới với Việt Nam cũng là điều tất yếu.

“Khi Trung Quốc mở cửa, Việt Nam cần giám sát, đề phòng các biến thể mới có thể gây nguy hiểm. Việc đánh giá tình hình dịch cần dựa vào tỉ lệ ca mắc mới hàng ngày, tỉ lệ bệnh nhân tăng nặng và tử vong, sự xuất hiện của biến thể mới. Chúng ta cần theo dõi sát các chỉ số đó để cân nhắc kích hoạt lại hệ thống chống dịch”, chuyên gia nói thêm.

Phòng chống dịch COVID-19: Ứng phó với biến thể mới XBB ảnh 1

Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng COVID-19 ảnh: Vân Sơn

PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý: “Việt Nam nới lỏng đồng bộ nhưng dự phòng đồng bộ. Nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó. Chuyển từ cấm đoán sang quản lí rủi ro để làm ăn kinh tế, phát triển đất nước”. Đồng thời nhấn mạnh người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác.

Bên cạnh đó, ông đặc biệt lưu ý việc bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền để giữ tỉ lệ tử vong ở mức thấp nhất. “Chúng ta không được buông trôi thả lỏng, mở cửa đồng bộ nhưng cũng phải dự phòng đồng bộ”, PGS.TS Phu khẳng định.

Nguy cơ từ biến thể mới XBB

Ngày 6/1, ông Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã thông tin đánh giá của WHO về biến thể phụ XBB của Omicron. Theo ông Angela Pratt: “Sự xuất hiện của biến thể mới này cho thấy rằng thật không may, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.Chúng ta biết rằng bất cứ nơi nào có COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm.

Kể từ tháng 6 năm 2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu, tuy nhiên, từ biến thể Omicron, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB - là biến thể tái tổ hợp - được kết hợp từ hai biến thể phụ khác của Omicron. Biến thể XBB và các biến thể phụ của nó đã được phát hiện tại hơn 10 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới”.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Dựa trên những gì đã biết hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác. Đây là một thông tin đáng lo ngại. Mặc dù các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về khả năng tránh miễn dịch của biến thể này - tức là khả năng vượt qua “lá chắn” bảo vệ do các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện có cung cấp - nhưng tin tốt là cho đến nay, không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể XBB gây ra.

Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực - bao gồm cả các vắc xin phòng COVID-19 được WHO phê chuẩn. Những loại vắc xin phòng COVID-19 này đã chống chọi tốt với các biến thể mới và vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19”.

WHO cho rằng trong bối cảnh virus đang tiếp tục lây lan, tất cả các quốc gia và người dân vẫn đối mặt với một số nguy cơ.

Trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và COVID-19 nói chung.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch đặc biệt quan trọng đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm: người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu. WHO khuyến khích mọi người cảnh giác để giữ sức khỏe và an toàn bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở những nơi đông người và trong không gian kín.

MỚI - NÓNG