Phó viện trưởng băn khoăn với dự thảo chương trình giáo dục mới

Theo ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt, Chương trình mới nhưng điều kiện thực hiện không mới thì khó có thể thực hiện thành công
Theo ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt, Chương trình mới nhưng điều kiện thực hiện không mới thì khó có thể thực hiện thành công
TPO - Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới vừa được Bộ GD&ĐT ban hành được đánh giá khá hoàn mỹ và tham vọng. ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt vừa lên tiếng góp ý cho dự thảo này.    

ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, điểm nổi bật nhất trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là tinh thần đổi mới được thể hiện rất rõ trong định hướng nội dung chương trình.

“So với chương trình phổ thông hiện tại thì dự thảo chương trình lần này có nhiều môn học mới, hoặc kết hợp nhiều môn tạo thành môn mới, chẳng hạn như Thế giới công nghệ (Tiểu học); Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật (THCS); Âm nhạc, Mỹ Thuật, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Thiết kế và Công nghệ (THPT), Tiếng dân tộc thiểu số, Hoạt động trãi nghiệm sáng tạo (cả 3 cấp). Một số hoạt động giáo dục không còn tồn tại trong chương trình mới như Giáo dục tập thể, Giáo dục Ngoài giờ lên lớp, Giáo dục Nghề phổ thông” ThS. Nhẫn nói.

Theo ThS. Nhẫn, một chương trình giáo dục với nhiều nội dung đổi mới như thế thì nhất thiết phải có những đổi mới tương thích về các điều kiện tổ chức thực hiện để đảm bảo thực thi chương trình một cách hiệu quả.

“Tuy nhiên, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông chưa thể hiện được điều đó. Hầu hết các điều kiện thực hiện chương trình như: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục; Công tác xã hội hoá giáo dục vẫn không có gì đổi mới đáng kể so với hiện tại”, ThS. Nhẫn nói.

Những người soạn thảo chưa hình dung ra được những điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để dạy những nội dung chương trình mới là gì nên chỉ nêu chung chung theo những tiêu chuẩn và quy định hiện hành.

      ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn    

ThS. Nhẫn dẫn chứng, ở điều kiện Tổ chức và quản lý nhà trường, dự thảo nêu: a) Nhà trường có sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi học sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thường xuyên thay đổi; b) Cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, trường trung học; c) Lớp học, số học sinh, điểm trường (nếu có) theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; d) Quản lý dạy học và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông; quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và quản lý tài sản theo quy định. Những điều kiện đó không có gì khác so với công tác tổ chức và quản lý hiện nay trong nhà trường.

Trong điều kiện về cán bộ, dự thảo chỉ nêu yêu cầu: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được đánh giá hàng năm từ loại đạt yêu cầu trở lên theo quy định Chuẩn hiệu trưởng; được bồi dưỡng, tập huấn vê lý luận chính trị, quản lý giáo dục và chương trình mới theo quy định.

“Như vậy, cũng giống như hiện tại, cán bộ quản lý vẫn được yêu cầu đạt chuẩn như thế, vẫn được bồi dưỡng như thế, chỉ có khác là có thêm nội dung tập huấn về chương trình mới. Điều đó là chưa đủ để Hiệu trưởng trở thành đầu tàu đưa nhà trường đổi mới thành công” ThS. Nhẫn băn khoăn.

Chỉ có điều kiện về giáo viên là có một số điểm mới như: Số lượng và cơ cấu giáo viên bảo đảm để dạy các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chương trình mới; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình mới.

“Tuy nhiên, nếu xét về điều kiện đó, đến năm học 2018 – 2019 liệu có khả thi khi triển khai thực hiện chương trình mới trong khi chưa đảm bảo có đủ giáo viên để dạy những môn học mới?”, ThS. Nhẫn đặt câu hỏi.

Ngoài ra, ThS. Nhẫn  cũng cho rằng, dự thảo thể hiện sự thiếu quan tâm của những người soạn thảo khi bỏ sót phần điều kiện tiên quyết về học sinh mặc dù có đề cập trong tiêu đề. Dự thảo còn cho thấy, những người soạn thảo chưa hình dung ra được những điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để dạy những nội dung chương trình mới là gì nên chỉ nêu chung chung theo những tiêu chuẩn và quy định hiện hành.

“Với những điều kiện thực hiện không có gì đổi mới đáng kể như thế, liệu các trường phổ thông có thực thi hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới như mục tiêu đề ra không? Các nhà biên soạn chương trình cần nghiên cứu sâu hơn nữa về các điều kiện tổ chức hiện để dự thảo được hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi”, ThS. Nhẫn băn khoăn.

Mời tham gia góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 

Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể.

Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý cho đến ngày 29/4/2017. 

Xem và tải về toàn bộ dự thảo TẠI ĐÂY

Ý kiến góp ý xin gửi về: online@baotienphong.com.vn
MỚI - NÓNG