Tại buổi hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo chương trình (CT) giáo dục tổng thể được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cùng Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức vừa qua, TS. Phan Thị Luyến cho biết khi cầm bản dự thảo trên tay, bà vừa mừng vừa băn khoăn. Điều bà mừng nhất là dự thảo có nhiều điểm mới. Trong phần cơ sở khoa học của CT đã đề cập rất rõ. CT này đã tiếp thu điểm tốt của chương trình hiện hành và tham khảo áp dụng CT của quốc tế.
“Một điều nữa mà chúng tôi cảm thấy vui đối với những người thực hiện ở cấp cơ sở đó là chương trình tạo hướng mở, tạo điều kiện cho các trường thực hiện CT này” – TS. Phan Thị Luyến nói.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, bà cũng có một số băn khoăn.
Băn khoăn đầu tiên, nhìn vào bảng kế hoạch giảng dạy, kế hoạch giáo dục các cấp thì chương trình này, lớp 8, 9, 10 là 30 tiết, tức 5 tiết/ngày.
“Ở các trường có giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp thì sẽ nằm ở đâu? Liệu có nằm trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo hay không?” – TS Luyến đặt câu hỏi tới ban soạn thảo.
Về độ mở của CT, TS. Phan Thị Luyến cũng cho rằng các trường có được chủ động về vấn đề này như thế nào.
“Ở lớp 9, 10 tin học là 1.5 tiết/tuần. Do đặc điểm của từng địa phương, nên học sinh có những cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ như ở Hà Nội, học sinh có điều kiện tiếp xúc với máy tính sớm, liệu chúng tôi có được dạy 1 tiết/tuần không? Thời gian còn lại để làm dự án khác không? Và nếu thế cấp trên có bắt chúng tôi phải có kế hoạch giải trình không?’ – bà Luyến lấy ví dụ
Một băn khoăn nữa khi nhìn CT lớp 10 hiện nay, theo bà Luyến, điểm cộng của CT đó là định hướng nghề nghiệp thể hiện khá rõ trên văn bản. Nhưng trong CT, lớp 10 là 15 môn, nhiều hơn hiện nay. Do đó, Ban soạn thảo cũng nêu lý do lớp 10 là giai đoạn chuyển tiếp nhưng sau này cần phải giải thích rõ hơn.
“Lớp 11, 12 có 6 môn bắt buộc, rồi 3 môn tự chọn, chuyên đề tự chọn. Khi nhìn vào chúng tôi thấy Mỹ Thuật 3 tiết/tuần, âm nhạc 3 tiết/tuần. Từ trước tới nay ở CT THPT không hề có hai môn nay. Vì thế về giáo viên các trường hoàn toàn từ số 0. Tất nhiên, dự thảo cũng nói có thể đào tạo nhờ tại các cơ sở khác. Tôi cũng cho rằng chỉ nhìn vào thực tại mà không nhìn vào tương lai thì sẽ không thể chuyển biến được. Do đó, bài toán giáo viên phải giải quyết ngay” – bà Luyến tiếp tục băn khoăn.
Một băn khoăn nữa của TS. Phan Thị Luyến đó là môn học tự chọn và bắt buộc. Trong đó, bà Luyến đặc biệt quan tâm tới các môn học tự chọn bắt buộc, các trường sẽ thực hiện điều này như thế nào. Vì theo như phân tích của TS. Phan Thị Luyến thì xét từ điều kiện của từng trường cụ thể, ví dụ môn âm nhạc có 2 học sinh, mỹ thuật có 3 học sinh, vậy các nhà trường khi đó có đáp ứng được điều kiện của học sinh không? Hay sẽ là trường nào có điều kiện như thế nào học sinh sẽ phải chọn như thế.
“Hay học sinh chỉ có thể chọn theo hai thiên hướng: hoặc khoa học xã hội, hoặc khoa học tự nhiên như trước đây? Bài toán chọn món chúng ta nhìn thì rất hay nhưng thực hiện thì phải cân nhắc để nhìn xem tính khả thi như thế nào. Nếu không sẽ quay về như cũ” – TS. Phan Thị Luyến tâm tư.
Từ bài toán chọn món đó, TS. Luyến cũng cho rằng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu như thế nào? Khi CT đi vào thực thi, các trường điều hành phần này rất khó.
“Với mỗi năm học, học sinh đăng ký tỷ lệ khác nhau thì đội ngũ giáo viên các trường sẽ xử lý ra sao? Năm nay học sinh chọn môn Sử nhiều chẳng hạn, chúng tôi phải tuyển thêm giáo viên. Nhưng năm sau, các em không chọn Sử mà chọn Vật lý đội ngũ giáo viên thừa sẽ làm thế nào?.
Chưa kể môn âm nhạc, mỹ thuật theo yêu cầu 3 tiết/tuần, đến giờ, chưa có giáo viên nào cả. Nếu cấp tập tuyển một lứa nào đó không có kỹ năng sư phạm vào trường cũng rất khó” – bà Luyến cho hay.