Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông: Lo giáo viên mất việc

TP - Nhiều chuyên gia giáo dục lo lắng việc đổi mới của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông có thể sẽ dẫn đến tình trạng “vừa thiếu vừa thừa” giáo viên, thậm chí không ít giáo viên sẽ… thất nghiệp

Nhiều môn học mới ra đời, học sinh được tự do chọn môn học mình yêu thích mà không cần phải học hết tất cả các môn như trước đây… là những điểm mới trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT mới công bố. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục việc đổi mới này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “vừa thiếu vừa thừa” giáo viên, thậm chí không ít giáo viên sẽ… thất nghiệp. 

Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT, ở khối lớp 11 và 12, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Các môn học tự chọn bắt buộc, học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.

Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, TPHCM cho rằng, cái hay của dự thảo là học sinh được lựa chọn môn học theo năng lực, sở thích của mình. Tuy nhiên, theo ông Độ cũng chính vì tự chọn môn học nên có thể sẽ xuất hiện tình trạng nhiều giáo viên thất nghiệp, thậm chí là “vừa thừa vừa thiếu” giáo viên.

Ông Độ dẫn chứng, trong số 11 môn tự chọn, học sinh chỉ chọn 3 môn, 8 môn còn lại sẽ không học. “Trong số này có các môn truyền thống như Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, nếu học sinh chỉ chọn 1- 2 môn trong số này thì lượng giáo viên hiện có sẽ đi về đâu. Chắc chắn sẽ phải chuyển công tác hoặc thất nghiệp”, ông Độ nói.

Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, nếu học sinh được tự chọn các môn học theo đúng nhu cầu, sở thích của các em một cách thực chất thì sẽ dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên trong nhà trường.

Theo bà Nhẫn trong chương trình giáo dục hiện tại cấp THPT cũng có phần tự chọn, nhưng học sinh vẫn học theo sự sắp xếp của nhà trường là chủ yếu, nhiều trường không đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu học sinh tự chọn theo sở thích.

Ngoài ra, bà Nhẫn cho biết, dự thảo mới này có thể sẽ gây ra bất công với một số giáo viên. “Nếu giáo viên dạy thiếu tiết theo quy định vì thiếu lớp dạy do học sinh không chọn hoặc chọn ít thì nhà trường vẫn phải trả lương đủ cho giáo viên đó. Ngược lại, những môn có học sinh chọn học nhiều thì giáo viên có thể dạy thừa giờ và nhà trường phải trả thêm tiền dạy vượt giờ cho giáo viên đó. Điều đó, có thể dẫn đến thiếu hụt ngân sách của nhà trường và thậm chí có thể dẫn đến sự thiếu công bằng trong công việc giữa người dạy thiếu tiết và người dạy đủ tiết”, bà Nhẫn phân tích và theo bà, trong trường hợp dôi dư giáo viên do học sinh không tự chọn môn học giáo viên đó dạy thì có thể dẫn đến giáo viên mất việc hoặc bị điều chuyển nơi công tác. Đó là điều nhiều giáo viên hiện nay lo lắng.

Với quy định một số môn mới so với chương trình hiện tại, có thể dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên chuyên môn như Tiếng dân tộc thiểu số, môn bắt buộc Khoa học tự nhiên ở THCS, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Thiết kế và Công nghệ ở THPT, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Thạc sĩ Nhẫn phân tích: Để đảm bảo chất lượng giảng dạy cần phải có những giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn từ các trường Sư phạm. “Như thế thì không kịp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông đưa vào áp dụng từ năm học 2018-2019”- bà Nhẫn nói.

MỚI - NÓNG