Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính năm 2020

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính.
TPO - Ngày 30/1 (mồng 6 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Dự Lễ khai hội có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ...

Tại lễ khai hội, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bí thư Tỉnh ủy, đã gióng trống, thỉnh chuông, khai hội chùa Bái Đính 2020.

Chùa Bái Đính cổ được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, tọa lạc ngay trong hang động núi Đính, là một danh lam nổi tiếng của Cố đô Hoa Lư. Để phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, chùa Bái Đính đã được mở rộng, xây dựng mới, trở thành trung tâm tín ngưỡng lớn của cả nước.

Đây là lần thứ 6, lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức kể từ khi Quần thể Danh thắng Tràng An, nơi có chùa Bái Đính tọa lạc được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Lễ khai hội cũng là chương trình mở đầu chào mừng Năm du lịch quốc gia được tổ chức tại Ninh Bình với chủ đề: “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”. Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi thức: Lễ niệm phật cầu gia hộ; thắp hương thờ Phật; lễ dâng lộc, cúng dường tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không; lễ tế thần Cao Sơn và thánh Mẫu Thượng Ngàn; gióng trống, thỉnh chuông khai hội; Lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an…

Phần hội là các hoạt động như: Rước kiệu bài vị thờ thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn, bà chúa Thượng Ngàn lên chùa Bái Đính cổ; các trò chơi dân gian; múa Rồng; chương trình văn nghệ hát mừng mùa Xuân, Phật pháp...

Lễ hội Bái Đính được tổ chức thường niên nhằm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, thiên nhiên của quê hương, đồng thời là dịp để đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử, về đất và người Ninh Bình.

Lễ hội được tổ chức hàng năm cũng khẳng định, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn đoàn kết, hòa hợp, lấy việc tu hành phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội,vì quốc thái dân an, vì sự phồn vinh của dân tộc....

MỚI - NÓNG