THANH LAM: “CÓ TOÁN HỌC TRONG NHẠC PHÓ ÐỨC PHƯƠNG”
Nhạc sĩ Phó Đức Phương khi viết tác phẩm đã tính toán rất kỹ về biên độ cảm xúc lẫn giai điệu. Âm nhạc của ông mang nhiều tính toán học. Thực ra tác phẩm của ông đã hoàn hảo rồi, kỹ từng nốt nhạc một. Mỗi khi tôi hát cũng rất thích vì ông đã tính hết những phương án để cho nghệ sĩ đi đúng những bản đồ mà ông đã dựng lên trong tác phẩm của mình.
Ông hát thị phạm tác phẩm cho ca sĩ rất kỹ và khi mình thu thanh cũng vậy, phải đúng từng nốt một. Những khuôn khổ định sẵn ngoài việc gò bó thì cũng là kỷ luật tốt cho nghệ sĩ nhưng đôi khi vẫn hạn chế biên độ về cảm xúc. Tôi vẫn rất thích cảm xúc của nhạc sĩ phải được gấp thếp (cộng hưởng, tương tác) với cảm xúc của ca sĩ. Như vậy sẽ có đất để nghệ sĩ được sáng tạo thêm nữa. Cũng có tôi lần hát bài của ông nốt nhạc như thế nào mà ông giận hay sao ấy.
Một thoáng Tây Hồ tôi chọn hát ở Đan Mạch cùng Neils Lan Doky theo phong cách jazz- ông rất thích, bảo hay quá, rất lạ. Bản phối đó vẫn dựa trên cốt lõi của ông vì tôi biết tính ông. Một thoáng Tây Hồ rất Việt Nam và có nhiều đất để mình hát.Dù sao tôi vẫn luôn mong muốn mình được bay bổng hơn nữa trong tác phẩm của nhạc sĩ.
Không thể và có thể thời gian đấy anh Quốc Trung phối và thu cho Ngọc Anh. Nhưng hình như khi hát Ngọc Anh cảm thấy chưa thực sự ngấm. Tôi mới bảo anh Trung "cho em hát bài này thử đi". Khi thu tôi rất thích và bài hát trở nên gắn với tên tuổi của mình. Tôi cũng từng nhờ ông viết bài nhưng đúng vào giai đoạn ông đang đam mê làm tác quyền nên tôi đã không có thêm một dịp được cộng tác với ông.
NGUYỄN VĨNH TIẾN: “PHÓ ÐỨC PHƯƠNG MONG MANH HƠN NGUYỄN CƯỜNG”
Cảm nhận từ nhỏ của tôi về sáng tác của ông là sự hoành tráng, bao quát. Sau này trong những dịp đi sáng tác chung, ông luôn nhắc đến những khao khát về những tác phẩm tầm vóc lớn. Chúng ta từng nghe Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi hoặc những bài hát mang tính sử thi - Phó Đức Phương đã làm rất tốt nhờ một nền tảng kiến thức âm nhạc vững chắc, tư duy tổng hợp, am hiểu lịch sử. Tôi ngưỡng mộ.
Tôi cảm nhận mình đã đủ độ thân để hiểu được quan điểm sáng tác, quan điểm về cuộc đời, thậm chí cả bút pháp của Phó Đức Phương. Tôi chơi thân với Nguyễn Cường trước khoảng chục năm. Người thứ hai tôi cảm thấy thân thiết là Phó Đức Phương. Đại từ ông gọi tôi “bạn mình ơi” nghe dịu dàng gần gũi như một câu quan họ.
Nguyễn Cường dùng phương pháp phương Tây, cấu trúc âm nhạc phương Tây để xử lý chất liệu dân gian. Nhưng tôi nghĩ chất bản năng tự bật ra thì Phó Đức Phương mạnh hơn. Nguyễn Cường thiên về học thuật, lý trí. Phó Đức Phương bản năng và khát khao. Về khí nhạc đương nhiên Nguyễn Cường rất mạnh. Phó Đức Phương tình cảm hơn, mong manh hơn, trực giác mạnh hơn.
Kho tàng của Phó Đức Phương mà để dàn dựng thành tác phẩm công phu thì sẽ rất mất nhiều thời gian. Một gia sản đồ sộ, không chỉ đơn giản là những thứ chúng ta đã biết, Nguyễn Cường cũng vậy.
Việc Phó Đức Phương bỏ sáng tác đi làm bản quyền chẳng có gì là phí phạm. Vì ông đã tạo nên một nền tảng để bây giờ các nhạc sĩ khác mỗi một năm nhận được một số tiền ít nhiều không bàn tới, nhưng nó tạo nên một nếp nghĩ và điều đấy không hề đơn giản. Đây có thể ví như như món quà, một sự thay đổi mang tính bản lề tốt cho những thế hệ nhạc sĩ kế tiếp. Đấy là một đóng góp rất lớn của Phó Đức Phương.
Lần gần đây nhất tôi cùng ông đi viết “tỉnh ca” cho Thái Bình, cùng đi thăm chùa Keo mà ông rất thích thú kiến trúc của nó. Trên đường đi, ông luôn chọn đi cùng tôi. Lý do đơn giản cả hai cùng hút thuốc lá phì phèo trên ô-tô. Tôi đã quay những thước phim Phó Đức Phương hát Tửu ca- bài hát tôi rất thích gần đây. Bài đấy dàn dựng công phu chưa chắc đã đem lại xúc cảm như trên ô tô với giọng hát của nhạc sĩ.
Tôi nói chuyện với Lê Minh Sơn, anh cho biết thực ra Phó Đức Phương không thích được đến thăm đâu. Tốt nhất nhắn tin thường xuyên, cứ bạn mình ơi trao đổi về tác phẩm. Điều đấy làm cho ông sung sướng hơn nhiều. Như thế nhiều khi còn gần gũi thoải mái hơn ngồi gần nhau, tôi và Lê Minh Sơn quan điểm như thế. Vì ông luôn là người trên mây. Người trên mây không thích bị thấy trên giường bệnh đâu.