Là một nhạc sĩ có phần “độc đoán”, Phó Đức Phương muốn các ca sĩ phải truyền tải đúng như những gì ông viết ra, mà như Mỹ Linh nhận định “miệng ca sĩ nhưng đầu phải là Phó Đức Phương”. Một phần vì thế nên ông đã đánh đường vào TP.HCM giữa những năm 1990 để mời Hồng Hạnh thu hai bài mà Mỹ Linh đã hát là Trên đỉnh phù vân và Chảy đi sông ơi.
Hồng Hạnh nhớ lại: “Tôi cũng rất ngạc nhiên, không hiểu sao anh lại kiếm tôi. Khi xem Mỹ Linh hát Trên đỉnh phù vân tại Duyên dáng Việt Nam 5, tôi cũng không nghĩ là mình có thể hát được bài này. Anh nói với tôi: ‘Mỹ Linh nói là không thèm hát nhạc anh’(?) Anh vào đây thể nào chả gặp mấy nhạc sĩ trong nhóm Những Người Bạn, chắc ai đó trong nhóm đã gợi ý cho anh về tôi”.
“Lúc đó tôi còn kinh doanh nhà hàng nên anh cũng hẹn 3-4 bữa mới gặp được nhau. Tôi OK ngay, cũng nghĩ đây là cái gì hơi lạ lẫm và thực chất muốn giúp anh, chứ lúc đó cũng không nghĩ tiền bạc gì hết. Anh cũng cực, nghe nói cầm cả nhà để vô làm CD. Anh ấy có một kế hoạch rất lớn, bao gồm việc đưa nhạc Việt qua Nhật.
“Tôi là ca sĩ miền Nam (quê nội Hồng Hạnh ở Quảng Trị, quê ngoại Huế, sinh ra tại TP.HCM), nên cũng cũng không tin vào mình hát được hai bài anh giao. Cứ vào phòng thu khi nào OK thì thôi. Ảnh phải chỉ cho tôi từng chỗ nhấn, từng chỗ giang tấu... Anh cũng vất vả đi ra đi vô mấy lần cùng nhạc sĩ Ngọc Đại. Ngọc Đại nói rất thích giọng tôi, tôi cũng giúp anh thu một bài… Việc làm quen với anh Phó Đức Phương cũng giúp tôi khai phá được một thể loại khó. Sau này anh Phạm Minh Tuấn viết theo kiểu đó cũng lại nhờ tôi hát.
Nhạc sĩ hẳn phải nói lý do phải bỏ công vào tận trong đó để tìm chị chứ?
Anh nói muốn tìm kiếm một giọng ca nhạc nhẹ để làm cho tác phẩm của anh hòa nhập vào đời sống hơn. Cho nên mới nhờ tôi hát. Chắc anh muốn có một bản thu không bị căng cứng ca trù quá để người bình thường cũng có thể hát theo được. Chảy đi sông ơi nhẹ nhàng hơn, anh chỉ cần chỉ cho tôi đoạn vocal giữa bài. Bài này về sau phát hành trong tuyển tập Chảy đi sông ơi, cùng với Về quê do Quang Lý hát.
BTV Hoài Nam của Đài truyền hình TP.HCM sau này có nói với tôi: “Học sinh của em đi thi Tiếng hát Truyền hình toàn kiếm bài Chảy đi sông ơi chị hát. Tại tụi nó nói chị hát dễ nên học theo dễ”.
Phó Đức Phương nổi tiếng khó tính, bắt ne bắt nét ca sĩ trong khi tập bài. Với chị, ông cư xử ra sao?
Đối với tôi nhạc Phó Đức Phương là một màu sắc hoàn toàn khác. Tôi là ca sĩ nhạc nhẹ, sau này hát thêm tiền chiến, bolero. Việc được “cập nhật” chất liệu của một miền khác với tôi là điều tốt, tôi chấp nhận. Tôi cũng không nghĩ anh bắt buộc gì cả. Có thể với những ca sĩ cùng ở ngoài đấy với anh, đã rành thể loại đó rồi thì anh ốp theo ý anh lại là chuyện khác. Còn tôi thì sẵn sàng hát đến khi nào nhạc sĩ OK, vừa ý. Có thể trong lúc hát cũng có khi tôi ý kiến chỗ này em thấy thế này sẽ hơn, nếu thấy hợp lý anh cũng cho qua. Thực chất anh ấy muốn bài hát này được cải cách, giống như nhạc nhẹ hóa.
Sau hai bài này, chị và Phó Đức Phương còn có dịp nào hợp tác?
Biết anh ôm ấp chiến lược tấn công Nhật Bản, tôi cũng âm thầm đi dịch sang tiếng Nhật bài Trên đỉnh phù vân, và cả Thì thầm mùa xuân nữa. Hồi đó tôi cũng đang học tiếng Nhật và có ý định làm một đĩa các bài hit của Việt Nam bằng tiếng Nhật.
Nhưng anh Phương vào một thời gian, rồi ra ngoài đó luôn, xong cũng không liên hệ lại với tôi. Chắc do hiệu ứng cái đĩa đơn của ảnh nên sau đó anh cũng bị nguội nên cũng không tiến hành dự án lớn kia nữa. Anh Ngọc Đại sau đó cũng im luôn.
Tôi thấy mấy anh sống cuộc đời đam mê, nó khổ lắm. Nhưng đến lúc mình nằm xuống, cái thỏa mãn nhất là tác phẩm của mình được bay lên. Tôi rất bất ngờ khi nghe tin anh bệnh. Tôi hy vọng anh vượt qua được, để tôi còn gặp anh và còn được hát bài của anh.