Khúc hát phiêu ly với sự xuất hiện của Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Minh Thu, Phương Anh, Oplus, M4U… được kỳ vọng sẽ là liều thuốc tinh thần đẩy nhanh quá trình hồi phục của tác giả. Đêm nhạc còn có sự xuất hiện đặc biệt của con gái nhạc sĩ là Phó Vũ Thư và cháu gái Phó An My trình tấu tác phẩm của Phó Đức Hoàng- con trai nhạc sĩ. Anh tốt nghiệp sáng tác Nhạc viện Boston, làm việc tại Mỹ. Chính COVID-19 tình cờ lại giúp cho anh kéo dài thời gian quý giá ở bên bố.
Chị Phó Lệ Chi- con gái cả của nhạc sĩ chịu trách nhiệm kịch bản chương trình cố nén sự xúc động bày tỏ sự tri ân tới những người tổ chức chương trình: “Đây là món quà tinh thần đầu tiên để bố tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống. Đêm nhạc cũng là sự tri ân của nhạc sĩ Phó Đức Phương gửi tới đồng nghiệp, bạn bè, khán giả”.
Tùng Dương cho hay thời gian gần đây anh luôn có mặt bất cứ khi nào nhạc sĩ cần: “Tôi rất vinh dự khi ông nói tôi như người bạn của ông. Những năm tháng gần đây khi có tác phẩm gì ông mới cũng chia sẻ với tôi. Chính khoảng cách thế hệ lại khiến chúng tôi thân nhau nhiều hơn”.
Dương cho hay khi mình làm liveshow Bộ tứ sông Hồng, Phó Đức Phương đánh giá khả năng biên tập của anh và có lời: “Sau này tôi làm show, cậu biên tập”! Vì thế, Dương đứng ra biên tập show này. Anh cho hay sẽ theo phương châm bài tủ của ai vẫn sẽ là của người ấy, riêng anh sẽ nhận “phần xương xẩu”- hát những bài mới, ít người biết. “Tôi cũng như đông đảo khán giả vẫn giữ những ký ức, dấu mốc đẹp đẽ dành cho những nghệ sĩ đã thể hiện thành công tác phẩm của chú. Không ai hát Trên đỉnh phù vân hay Không thể và có thể, Hồ trên núi như Mỹ Linh, Thanh Lam...”. Tuy nhiên chương trình vẫn sẽ có những phá cách như để NSƯT chèo Thu Huyền hát Về quê.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhắn gửi khán giả từ phòng bệnh: “Mình đang hết sức lạc quan. Mặc dù hiện nay tình trạng của mình phải nói vô cùng hiểm nghèo, vẫn rất mong một ngày nào đó gặp lại các bạn trong những chương trình khác hào hứng, rạo rực, dữ dội hơn”.
“Tôi không hát hay như cậu, nhưng tôi… giỏi toán hơn cậu, tôi sáng tác được. Cuộc đời bù trừ cho nhau, tôi cần cậu, cậu cần tôi” là câu nhạc sĩ họ Phó nói với Tùng Dương mà anh vẫn nhớ. Dương kể khi vào thăm, nhạc sĩ khẳng định: “Tôi khỏe rồi, có thể ra sân khấu thị phạm cho các bạn luôn được rồi”. Tùng Dương cho hay sẽ chuyển hết thù lao từ chương trình cho nhạc sĩ chữa bệnh. Còn Mỹ Linh kêu gọi: “Mỗi tấm vé chính là sự ủng hộ về tinh thần và vật chất cho gia đình và tác giả”.
Độ hai tuần trước, lần vào thăm nhạc sĩ tại bệnh viện vẫn gây ấn tượng mạnh với hai diva. “Đôi mắt sáng rực, nụ cười ngoác đến măng tai, tràn trề nhựa sống trên một gương mặt và thân hình gầy gò của ông cứ ám ảnh tôi trên đường về. Nhớ những ngày hai chú cháu tập hát sớm khuya, một thời tuổi trẻ của tôi mà bồi hồi”, Mỹ Linh kể ông nói chuyện liên tục trong thời gian thăm không hề mệt mỏi, không ngại ngần kể tường tận quá trình bệnh trạng.
Thanh Lam cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về sự dũng cảm của nhạc sĩ khi đối diện bệnh tật: “Nhìn nụ cười ấy, nghe những tâm sự, giấc mơ về nhạc Việt… Mang trong mình những khát vọng lớn lao như thế, tôi tin chắc chắn chú sẽ vượt qua. Hy vọng đêm nhạc sẽ cho chú thêm sức mạnh”!
Mỹ Linh thuật lại lời nhạc sĩ: “Chú đã hỏi hết âm dương rồi, các ngài quyết rồi: Phải sống. Chú cũng quyết rồi, phải sống. Các bác sĩ cũng nói là sẽ sống”. “Đi thăm người ốm mà không có cảm giác bi thương. Chú còn truyền ngược lại sức sống cho chúng tôi,” Linh kể. “Chú nói: ‘Mình không đau, hay ngưỡng đau của mình vượt người khác’?! Phải người như thế mới có thể sáng tác như vậy. Bao nhiêu năm nữa chắc sẽ không có người thứ hai đâu”!
Phó Lệ Chi cho hay lúc tiếp hai diva, chị biết bố mình đang rất đau, tuy nhiên chuyến thăm khiến ông rất vui: “Bố tôi luôn gieo hy vọng cho mọi người: "Chẳng bao lâu nữa tớ sẽ tiếp tục, các cậu cứ đợi tớ". Ông an ủi nhạc sĩ Trần Tiến: "Cậu đừng lo, tớ khỏe lắm" và cố nói giọng oang oang rồi cùng nhau cười phá lên. Thực sự bố tôi không buồn và luôn muốn truyền sự lạc quan cho bạn bè”.
Nhà văn Trần Thị Trường có thâm niên 8 năm đồng hành với nhạc sĩ trong công tác bản quyền, nói: “Bây giờ có thể có người làm về bản quyền tốt hơn ông, nhưng cách đây 18-20 năm không ai hơn”! Nhạc sĩ đã đi học luật, học tiếng Anh ở tuổi U70 để làm tốt công tác mà mình là người khai phá. Thậm chí theo chị, ông còn đi vay tiền bạn để có tiền trả lương cho nhân viên kế toán, sổ sách và: “Ông hy sinh một quãng đời âm nhạc của mình trước hết vì ông rất ức khi viết cả đời mà vẫn nghèo. Cứ tưởng ông khó tính, gặp hóa ra còn khó hơn nhiều. Khó cực luôn. Khó phát chán. Cả trong âm nhạc lẫn bản quyền”.
Với Phó Đức Phương, Minh Thu là “người đến sau” nhưng lại được chính nhạc sĩ hướng dẫn thu âm 2 album. Thu bắt đầu đến nhà riêng nhạc sĩ để tập bài từ 1999. Chị dẫn lời nhạc sĩ Đức Trịnh: “Ông Phương nốt chính ít, nốt phụ nhiều”. Như câu kết của bài Không thể và có thể chính thức có 16 nốt. “Năm 2013, tôi tham gia hội diễn bốn nước ASEAN bài này và được HCV. Nhưng nghe tôi thi xong, nhạc sĩ vẫy lại bảo: ‘Hôm sau qua chỗ tớ tập lại để 9 về 10 nhé’”! Tức là trong 16 nốt chạy liên tục lắt léo đó, Thu đã trót đảo vị trí nốt thứ 9 cho nốt 10.
Bài ca thần chim Lạc đã thu xong xuôi cho Festival Huế lần thứ 14 nhưng Thu lỡ khoe với nhạc sĩ nên bị ông bắt thu lại tới 3 lần. Và đến lần cuối ca sĩ muốn khóc vì mệt mỏi, bất lực khi bị nhạc sĩ xông thẳng vào phòng thu (thay vì đứng đập nhịp từ bên ngoài): “Bạn khẳng định uy lực của một vị thần như thế chưa tới”! Thế nhưng chính trong lúc tưởng chừng vô vọng đó, ca sĩ lại bật ra được.
Khi thu Huyền thoại Hồ núi Cốc, Minh Thu hát giống như bản thu của các ca sĩ trước đó, nhưng nhạc sĩ bắt sửa từ “ơ-hò-ơ” thành “ơ-hò-ơ-hơ”. Hai bên “thi gan” trong phòng thu và giải pháp cuối cùng là lần một ca sĩ hát kiểu mình thích và lần hai (sau dạo giữa) hát đúng bản nhạc. “Về nghe lại, tôi phải công nhận nhạc sĩ khắt khe cũng có lý vì ông học từng làn điệu dân ca hết sức tỉ mẩn. Tôi nghĩ ca sĩ cứ chịu khó hát đúng hết của ông đi rồi hẵng sáng tạo thì sẽ rất OK”.
Nhạc sĩ Trần Đức Minh phối khí cho đêm nhạc lại cho hay: “Tiếng là khó tính nhưng làm việc với Phó Đức Phương, tôi thấy ông hồn nhiên như trẻ con. Tôi sẽ đưa sự hồn nhiên đó vào xây dựng không gian âm nhạc khai thác các khía cạnh âm nhạc của ông”. Đêm nhạc có sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Cường và Nguyễn Vĩnh Tiến trong vài trò dẫn chuyện. Tiến cho hay: “Tôi và Nguyễn Cường là anh em kết nghĩa. Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương và tôi lại là bạn. Từ trên giường bệnh ông vẫn hay gọi điện nhắn tin cho tôi: ‘Bạn mình ơi, bài hát này có được không’ rất dịu dàng. Tôi cảm nhận Phó Đức Phương dịu dàng hơn Nguyễn Cường nhiều”.
Nghệ sĩ Phó Vũ Thư: “Bố tôi không khắt khe với con gái cũng không khó tính (như với các ca sĩ). Ông luôn cư xử thoải mái vui vẻ, coi con cái như bạn. Ông xưng hô với bạn bè thế nào thì con cái cũng vậy: cậu- tớ. Đâm ra chúng tôi không bao giờ ngại tiếp xúc hay có cảm giác xa cách với bố. Tuy nhiên trong nghề nghiệp ông luôn khắt khe, đòi hỏi chúng tôi phải chỉn chu một khi đã theo nghệ thuật”.