Đó là nội dung được ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nêu lên trong cuộc họp chiều 16/8 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.
TPHCM đang triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà gắn với túi thuốc an sinh. Những người có đủ điều kiện được cách ly tại nhà trong môi trường quen thuộc của mình với sự hỗ trợ của các lực lượng y tế có thể chăm sóc được sức khỏe, giúp bình phục nhanh.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chăm lo sức khỏe cho cộng đồng đang gặp rất nhiều khó khăn. |
Đây là giải pháp nhằm điều trị bệnh COVID-19 hiệu quả, đúng với quy định của ngành y tế áp dụng cho những người có thể tự chăm sóc sức khỏe, giảm áp lực quá tải với ngành y tế giành nguồn lực tập trung điều trị các ca bệnh nặng. Những ca bệnh vừa sẽ không chuyển biến nặng và ca nặng hạn chế nguy kịch giảm tử vong. Tuy nhiên, trên thực tế số ca bệnh vẫn đang ở mức cao, dịch diễn biến phức tạp.
Ông Đức cho biết, sắp tới, thành phố sẽ có 3 giai đoạn để kiểm soát dịch. Theo đó, giai đoạn từ ngày 15 đến 22/8 thành phố đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19. Ngành y tế và các lực lượng hỗ trợ sẽ nỗ lực không để xảy ra trường hợp người bệnh COVID-19 (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị, xác định chiến lược để bảo vệ các vùng an toàn dịch, từng bước khoanh vùng các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thành phố đang tập trung đưa túi thuốc an sinh tiếp cận với người không may mắc COVID-19 cách ly tại nhà. |
Giai đoạn từ ngày 23 đến ngày 31/8 thành phố sẽ chủ động tăng cường các biện pháp để mở rộng “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19 và phát huy, tạo điều kiện cho người dân có môi trường sống thuận lợi nhất có thể. Thành phố đặt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện sau: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11.
Giai đoạn từ ngày 1/9 đến ngày 15/9 thành phố sẽ duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày, số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân); Đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi thứ nhất 15% người dân được tiêm mũi 2.
Trước đó, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 trưa 16/8, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, để tập trung nguồn lực, hạn chế dàn trải cho điều trị bệnh nhân COVID-19, ngành y tế thành phố sẽ khu trú mô hình tháp 5 tầng còn 3 tầng chính. Việc thay đổi này nhằm tập trung nguồn lực con người và trang thiết bị để đáp ứng tình trạng nặng của bệnh nhân COVID-19.
Những túi thuốc trở thành "phao cứu sinh" cho người bệnh trong các khu vực phong tỏa. |
Tầng sẽ tập trung chăm sóc F0 tại nhà kết hợp hỗ trợ an sinh; tại các cơ sở cách ly quận huyện với những F0 không triệu chứng, có bệnh nền ổn định. Tại tầng 1 hiện nay có 18.120 F0 tại nhà và 153 cơ sở cách ly F0 với 23.000 giường.
Tầng 2 là nơi tiếp nhận trường hợp có triệu chứng từ nhẹ, trung bình có kèm hoặc không có bệnh nền. Gồm các bệnh viện dã chiến COVID-19; hoặc các bệnh viện quận huyện. Hiện tầng 2 có 74 bệnh viện với 49.392 giường gồm 24 bệnh viện dã chiến (15 bệnh viện cấp thành phố; 8 bệnh viện cấp quận huyện); 41 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; 9 bệnh viện trung ương.
Tầng 3 là các cơ sở y tế chuyên sâu về hồi sức cấp cứu với các ca mắc COVID-19 nặng, nguy kịch. Tầng này có 3.883 giường gồm 8 bệnh viện: Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175 và 5 Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại TPHCM.
TPHCM đang đẩy mạnh các đội y tế và lực lượng tình nguyện khẩn cấp từ tất cả các nguồn lực giúp F0 sớm được hỗ trợ, |
Đối với các F0 đang được chăm sóc tại nhà, thành phố sẽ tập trung chăm lo hỗ trợ túi an sinh cho các F0 có hoàn cảnh khó khăn, trong đó chú ý đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản. Bệnh nhân F0 sẽ được hướng dẫn, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng theo khuyến cáo của chuyên gia để bảo vệ sức khỏe sớm bình phục. Đối với các trường hợp bệnh nhân có điều kiện thuận lợi hơn sẽ được trợ các giải pháp tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm tại nhà để không phải ra khỏi nhà.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ kết nối các nguồn lực xã hội, thành lập các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp đáp ứng yêu cầu của người dân và yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo “đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp từng đối tượng”. Tại các khu nhà trọ có đông công nhân, sinh viên, người lao động tự do, các hẻm nhỏ, hẻm sâu sẽ được tăng cường hỗ trợ lương thực, thực phẩm... không để người dân thiếu đói.