Phó Chủ tịch Quốc hội: Quan tâm, giải quyết chính sách đối với cán bộ dôi dư

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện theo kế hoạch. Trong đó, quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, người nghỉ hưu và đối tượng trong diện sắp xếp.

Sáng 1/7, HĐND TP. Hà Nội khai mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Tới dự và phát biểu tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 17 của HĐND TP. Hà Nội diễn ra ngay sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó, có 3 nội dung liên quan trực tiếp, đặc biệt quan trọng với Hà Nội: Quốc hội cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét và thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, tăng trưởng GRDP ước tăng 6% (cao hơn bình quân chung cả nước); thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% so với dự toán. Các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh...

Phó Chủ tịch Quốc hội: Quan tâm, giải quyết chính sách đối với cán bộ dôi dư ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng, cũng là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Do đó, Thành ủy- HĐND- UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024.

Đồng thời, quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp để hoàn thiện 2 Quy hoạch quan trọng của Thủ đô, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Quan tâm, giải quyết chính sách đối với cán bộ dôi dư ảnh 2

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị HĐND thành phố quan tâm việc quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ được tiến hành trong năm 2026. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện theo kế hoạch. Trong đó, quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, những người nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp...

Ngoài ra, HĐND thành phố cần tiếp tục chủ động, đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính sách hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và HĐND. Trọng tâm là sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các Đề án liên quan.

Ngày 15/5, tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã TP. Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Trong đó, HĐND thành phố không thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, chỉ sắp xếp ĐVHC cấp xã tại 20 quận, huyện. Sau sắp xếp, số ĐVHC cấp xã giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị (giảm 61 xã).

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong 20 quận, huyện, thị xã thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp xã, số lượng cán bộ công chức không chuyên trách được giao định mức là 4.032 người (hiện có mặt 3.383 người). Sau sắp xếp sẽ dôi dư là 1.031 người.

MỚI - NÓNG
Tỉnh thành nào tăng trưởng kinh tế cao nhất nước?
Tỉnh thành nào tăng trưởng kinh tế cao nhất nước?
TPO - Trong 10 địa phương tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước, nhóm 5 thành phố trực thuộc trung ương chỉ có Hải Phòng, TPHCM có bước cải thiện đáng kể khi vượt lên trên Hà Nội, trong khi Cần Thơ và Đà Nẵng ở nửa cuối.