Phó Chủ tịch Hà Nội: 'Xử lý vi phạm vỉa hè nhưng phải đảm bảo cuộc sống của người dân'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu cùng với việc xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự giao thông, đảm bảo mỹ quan đô thị, đồng thời phải bảo đảm quyền kinh doanh, mưu sinh, cuộc sống của người dân.

Sáng 3/3, Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị về kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong giai đoạn đầu, thành phố giao các quận, huyện chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chấp hành việc giải tỏa vi phạm hè phố, lòng đường tại khu vực làm việc. Các quận, huyện cũng được yêu cầu vận động các hộ kinh doanh ký cam kết chấm dứt vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu cho hè phố, lòng đường.

Phó Chủ tịch Hà Nội: 'Xử lý vi phạm vỉa hè nhưng phải đảm bảo cuộc sống của người dân' ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV

Về công tác xử lý, theo ông Ky, các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm chiếm dụng trái phép hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".

Ông Ky cũng yêu cầu lực lượng chức năng các quận, huyện kiểm tra, xử lý theo từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp không chấp hành, lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm. Từ kết quả thực hiện của các đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định như hạ thi đua, cắt thi đua.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 197 thành phố cho biết, thực tế trong thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị; có nơi, có lúc cũng đã có nhiều kết quả rất tích cực, nhiều mô hình, cách làm hay, dù thế, chưa duy trì, chưa tạo ra được sự bền vững, ổn định.

Theo ông Sơn, nếu lực lượng chức năng không quyết liệt, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cùng với ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, tình trạng vi phạm sẽ diễn biến phức tạp trở lại.

Ông Sơn nêu, kế hoạch lần này của Ban Chỉ đạo 197 thành phố có 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện công tác tuyên truyền. Giai đoạn 2, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Giai đoạn 3 thực hiện kiểm tra, duy trì, không để tái diễn vi phạm.

"Giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn khó nhất, cần sự quyết tâm nhất của cả hệ thống chính trị nói chung và các lực lượng chức năng nói riêng", ông Sơn nói.

Riêng về tổ chức ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng và duy trì, chống tái phạm, ông Sơn yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý toàn diện các vi phạm trên các lĩnh vực trên địa bàn; huy động toàn diện các lực lượng, phương tiện tham gia phá dỡ khi cần cưỡng chế; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm.

Kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.

“Qua “chiến dịch” này, đề nghị Công an thành phố phối hợp với các sở sớm nghiên cứu, tham mưu cho UBND, HĐND thành phố để có những chính sách, những cơ chế thực tế, khả thi, hiệu quả làm sao vẫn đảm bảo được trật tự đô thị, trật tự giao thông, mỹ quan đô thị nhưng vẫn bảo đảm quyền kinh doanh, mưu sinh, cuộc sống của người dân”, ông Sơn nói.

MỚI - NÓNG