Tại phiên chất vấn ngày 7/12, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi về các dự án giao thông chậm triển khai gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) nêu thực trạng một số dự án đầu tư công qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến không hiệu quả, khó khăn trong triển khai, gây bức xúc trong nhân dân. Ví như, dự án cải tạo quốc lộ 1 liên quan đến địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã dành khoảng 127.000 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống giao thông, chiếm 65% vốn đầu tư công của thành phố. Trong đó, ngoài nguồn vốn ODA, Hà Nội đang đầu tư cho 39 dự án liên quan đến quốc lộ, cầu vượt, các tuyến đường vành đai hướng tâm và các hệ thống hạ tầng khung và 169 dự án đường trục chính trên địa bàn của các quận, huyện.
Để tránh việc triển khai một số dự án qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến thiếu tổng thể, không hiệu quả, Sở đã đề xuất tiếp tục đầu tư đối với 31 tuyến hạ tầng khung trên địa bàn thành phố, khép kín các tuyến đường vành đai, tuyến đường quốc lộ, trục hướng tâm, hệ thống cầu... nhằm bảo đảm hệ thống giao thông đường bộ kết nối và thông suốt.
Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 7/12 |
Với các dự án trải trên địa bàn nhiều quận, huyện sẽ được triển khai trên tinh thần không theo ranh giới hành chính mà với dự án có quy mô lớn sẽ chia phân kỳ và dừng theo các điểm dừng kỹ thuật để đầu tư đến đâu thì dự án, đoạn đường đó sẽ phát huy tác dụng khớp nối hạ tầng.
Làm rõ hơn vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng, trong giai đoạn trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm triển khai. Ví dụ, đường Vành đai 2,5 có chiều dài 19,4km được chia là 13 đoạn; đường quốc lộ 21B dài 41km được chia làm 13 đoạn; quốc lộ 1A phía Nam cũng chia là 11 đoạn và trong đó, cá biệt có những đoạn chỉ đầu tư một nửa mặt cạnh ở trên địa bàn huyện Thường Tín...
“Chính vì thế, trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, thành phố bố trí cho 224 dự án với tổng kinh phí là 127.000 tỷ đồng, tăng 250% về số vốn nhưng số dự án chỉ tăng 5% so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dứt điểm, giảm dàn trải ra nhiều dự án”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nêu.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường trả lời câu hỏi của đại biểu |
Ông Nguyễn Phi Thường cũng cho biết, về nguyên tắc đầu tư, thành phố cũng đang chỉ đạo theo hướng số lượng dự án phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện. Các dự án chuyển tiếp giai đoạn này phải hoàn thành xong và chuẩn bị điều kiện cho các giai đoạn trung hạn về sau.
Thành phố cũng cố gắng thực hiện đầu tư trọn gói dự án và tập trung đầu tư dự án hoàn thiện kết nối giao thông, giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen, tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thành các tuyến vành đai
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, các dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên, hầu hết là dự án phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có dự án phải điều chỉnh 5-6 lần dẫn đến chậm tiến độ.
Cùng với đó là công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những khó khăn của hầu hết các dự án. Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng tại thành phố cũng gặp nhiều khó khăn do khiếu kiện, khiếu nại. Trong khi đó, mỗi dự án lại có đặc thù riêng và tùy từng loại đất thì lại quy định thời gian khác nhau, thủ tục khác nhau, ví như đất thổ cư 6 tháng, đất nông nghiệp 3 tháng. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là khó khăn thi công, di chuyển hạ tầng kỹ thuật, vật liệu xây dựng tăng cao, loại hợp đồng trọn gói, hợp đồng cố định, đó là chưa kể dịch Covid-19.
Ông Tuấn cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố thời gian tới là hoàn chỉnh các tuyến vành đai. Trong đó, Vành đai 1 dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành, chậm nhất là quý 1/2025, đường Vành đai 2 hoàn chỉnh ngã 4 sở đến Cầu Giấy để khép kín, đường Vành đai 2,5 cũng phải hoàn thành; Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô làm đang rất nhanh, dự kiến năm 2027 sẽ vận hành.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng phải linh hoạt, theo từng dự án. Thành phố cũng thiết lập từng tổ để phục vụ.