Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi:

Phình to bộ máy có giảm án oan?

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam). Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 3/6, thảo luận Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị cân nhắc việc lập tòa án sơ thẩm khu vực.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị làm rõ việc thành lập tòa khu vực có làm tăng biên chế hay không. Nếu tăng biên chế, có phải chúng ta đi ngược với chỉ đạo đến 2016 phải giữ ổn định biên chế, không được tăng mà chỉ có giảm.

Hơn nữa, chính việc lập tòa án khu vực có thể làm tăng chi phí hành chính của bộ máy. “Việc thành lập tòa sơ thẩm khu vực có khẳng định chất lượng các bản án được nâng lên, có giảm án oan không? Nếu thực hiện, nên thí điểm, tổng kết rồi mới quy định vào luật. Khi chưa làm rõ những điều này, việc lập thêm tòa sơ thẩm khu vực chỉ là sáp nhập cơ hữu một vài đơn vị cấp huyện mà thôi”, ĐB Hùng phát biểu.

Phình to bộ máy có giảm án oan? ảnh 1

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam). Ảnh: Hồng Vĩnh

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nói rằng, nếu lấy lý do phải thành lập tòa sơ thẩm khu vực nhằm tạo sự độc lập trong xét xử thì không thuyết phục, còn nói là để tránh lãng phí thì cũng chưa đúng. Vì nếu thành lập tòa khu vực, có xây thêm trụ sở không, bộ máy ra sao, tăng bao nhiêu biên chế, cần làm rõ.

Từ thực tế tỉnh Thái Bình, ĐB Phạm Xuân Thường nói rằng chắc chắn việc tổ chức thêm một cấp tòa sẽ làm tăng biên chế, bộ máy, tăng đầu tư cơ sở vật chất.

“Tại Thái Bình, nếu áp dụng, biên chế ít nhất tăng gấp đôi, chưa kể còn kéo theo đổi mới hệ thống Viện Kiểm sát và cán bộ cũng không yên tâm vì phải đi làm xa”, ĐB Thường nói.

Không bổ nhiệm thẩm phán suốt đời

Nhiều ĐB cho rằng, thời hạn bổ nhiệm đối với chức danh thẩm phán nên theo nhiệm kỳ, không nên quy định suốt đời. Thực tế ngành tòa án không phải không có những thẩm phán yếu kém, phẩm chất chưa tốt, nếu bổ nhiệm suốt đời họ sẽ ỷ lại, không chịu học tập, nâng cao trình độ.

“Nhiệm kỳ thẩm phán nên kéo dài 5 năm. Sau đó, bổ nhiệm, đánh giá lại chứ không nên bổ nhiệm suốt đời. Có ĐB cho rằng quy trình bổ nhiệm lại mất nhiều thời gian, thủ tục phiền phức, nhưng đấy không phải lý do. Thẩm phán tốt, có uy tín thì không có gì phải lo”, ĐB Đặng Thị Kim Chi phát biểu.

Theo các ĐB, thẩm phán cũng chỉ là một nghề như các nghề khác, vì thế không nên tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất tại dự thảo. Nếu tăng sẽ tạo tiền lệ ngành nào cũng biện lý do ngành mình quan trọng đòi tăng tuổi nghỉ hưu cho riêng ngành mình, sẽ không phù hợp với các luật hiện hành, làm mất cơ hội của cán bộ trẻ.

MỚI - NÓNG