Phim ngắn Việt: Trăm hoa đua nở

Marcus Mạnh Cường Vũ (thứ 2 từ phải sang) và một số thành viên BTC YxineFF (năm 2010)
Marcus Mạnh Cường Vũ (thứ 2 từ phải sang) và một số thành viên BTC YxineFF (năm 2010)
TP - “Bộ phim Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di vừa được lựa chọn tranh giải Gấu Vàng. Đây là niềm tự hào lớn của điện ảnh độc lập Việt Nam khi có đại diện đàng hoàng đứng trong danh mục chính và quan trọng nhất của một trong những LHP hàng đầu thế giới,” anh Marcus Mạnh Cường Vũ chia sẻ với Tiền phong Chủ nhật, từ Berlin.

Nhân dịp này, Tiền Phong Chủ nhật đã trao đổi với anh Marcus Mạnh Cường Vũ, người khởi xướng YxineFF về sự phát triển của trào lưu làm phim ngắn ở Việt Nam.

Với mong muốn phát triển khả năng sáng tạo của người Việt Nam, hỗ trợ các nhà làm phim độc lập và cung cấp công cụ đơn giản cho phép khám phá phim ngắn, anh đã tạo ra Liên hoan phim YxineFF trực tuyến vào năm 2010. Anh có thể cho biết thành quả mà YxineFF đã đạt được trong những năm qua?

“Xu hướng trong tương lai của phim ngắn tại Việt Nam sẽ đi vào chiều sâu, tức là yếu tố sáng tạo được đề cao và khâu sản xuất được đầu tư kỹ lưỡng hơn”.

Marcus Mạnh Cường Vũ
Tự đánh giá một cách chủ quan, tôi cho rằng trong 5 năm vừa qua, YxineFF đã làm được các việc sau: tạo cảm hứng cho những nhà làm phim trẻ; phát hiện và hỗ trợ tài năng điện ảnh trẻ; giúp những câu chuyện mà giới trẻ thật sự quan tâm được chia sẻ; tạo sự cọ xát giữa các nhà làm phim trẻ trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội kết nối; chứng minh rằng bằng nguồn lực hạn chế và xuất phát điểm độc lập, một sân chơi chuyên nghiệp có thể được xây dựng.

Trong vai trò khởi xướng, YxineFF hẳn đã khơi gợi và động viên cho Gặp gỡ mùa thu hay 321-Action là những sân chơi khá hấp dẫn khác được thành lập. 

Anh có thể nói gì về sự lên ngôi của phim ngắn và xu hướng phát triển của nó ở Việt Nam?

Vào năm 2010, khi những dự án như YxineFF hay 48 giờ lần đầu tiên được tổ chức, mọi thứ còn khá thô sơ và ít ỏi. Tôi còn nhớ bản thân đã phải tới “gõ cửa“ từng nhà làm phim trẻ một, phần lớn họ đang là sinh viên trường điện ảnh hay học viên ở trung tâm TPD, Doclab, để lấy đĩa phim của họ mang về xem và tuyển chọn. Các bộ phim hồi đó còn được làm khá công thức, và công nghệ cao của kỹ thuật số chưa được ứng dụng đa dạng như bây giờ. 

Ngày nay, có rất nhiều cuộc thi làm phim ngắn được tổ chức hàng năm, có tới hàng trăm nếu không muốn nói là hàng nghìn bạn trẻ tham gia làm phim, bất kể có đang theo học điện ảnh hay không. Thậm chí có cả những văn nghệ sĩ đã thành danh như nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần hay nhà thơ Dạ Thảo Phương cũng làm phim ngắn đầu tay. Thông qua phim ngắn, ta có thể diễn đạt góc nhìn về cuộc sống, những mâu thuẫn, những vấn đề đang được quan tâm. Ví dụ như: tôi là ai? hay xung đột giữa các thế hệ trong gia đình... Do đó, phim ngắn còn là một cách thể hiện tiếng nói cá nhân.   

Xu hướng trong tương lai của phim ngắn tại Việt Nam sẽ đi vào chiều sâu, tức là yếu tố sáng tạo được đề cao và khâu sản xuất được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Sau thời kỳ trăm hoa đua nở, đã đến lúc các nhà làm phim ngắn phải chứng minh được tài năng của mình đủ tầm khu vực và quốc tế. Đây là bước phát triển tất yếu để có một thế hệ tương lai kế tiếp sau Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp. 

Được biết, hiện nay anh đang ở Đức. Có phải anh đang chuẩn bị cho việc tham dự liên hoan phim Berlin? 

Như nhiều năm qua, tôi đều sắp xếp để tham dự LHP Berlin, năm nay sẽ diễn ra từ 5/2-15/2, trong vai trò báo chí. Năm nay càng đặc biệt hơn khi có bộ phim Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di được lựa chọn tranh giải Gấu Vàng. Đây là niềm tự hào lớn của điện ảnh độc lập Việt Nam khi có đại diện đàng hoàng đứng trong danh mục chính và quan trọng nhất của một trong những LHP hàng đầu thế giới. 

Ở Đức, tôi có công việc chính là tư vấn kinh tế trong lĩnh vực phát triển bền vững. Công việc này hiện đang giúp cho tôi phần “thực“ để “vực“ được phần “đạo“ là niềm đam mê điện ảnh. Ngoài ra, tôi còn viết báo và làm công tác giám tuyển phim cho một số LHP quốc tế.

Trong phần giới thiệu về những người tham gia liên hoan phim Clap! Hanoi có đoạn viết về anh như sau: "Marcus Mạnh Cường Vũ là một nghệ sĩ và doanh nhân đa tài". Phải chăng, tài chính luôn là vấn đề chính giúp nghệ sỹ thực hiện ước mơ của mình?

Trước hết tôi xin cảm ơn ban tổ chức CLAP! đã dùng những lời có cánh khi viết về tôi. Cá nhân tôi chưa bao giờ dám nhận mình là nghệ sĩ, cho dù tôi có mơ mộng đến thế nào chăng nữa. Tôi nghĩ, phần tỉnh táo trong mình luôn giúp cân bằng lại, bất kể thi thoảng tôi cũng khùng điên kiểu “nghệ sĩ“. (cười)

Theo tôi, với bất kỳ công việc sáng tạo nào, tài chính luôn là một vấn đề. Kể cả khi bạn sáng tác ra tác phẩm chỉ một mình, không công bố với ai, thì thời gian bạn dành cho sáng tác đó cũng đã là phần “đầu tư“ bạn bỏ ra. Nếu bạn chỉ làm việc sáng tạo mà việc đó không ra tiền, thì hẳn có người khác đã và đang hỗ trợ bạn về tài chính để bạn được làm công việc đó. 

Tôi biết một số nghệ sĩ thường ngại nói về tiền, sợ bị đánh giá là “vì tiền“. Một số khác lại không hiểu tầm quan trọng của tiền nên hay “vượt rào“ trong tưởng tượng về tính khả thi. Trong khi đó, bài toán tiền bạc luôn là một điều kiện, một cái khung để người ta có thể làm được gì, xét thuần túy về mặt vật chất. Tuy vậy, nếu bạn thực sự giỏi xuất chúng trong lĩnh vực bạn theo đuổi, sẽ có nguồn tài chính đến với bạn. Nhưng trước hết, bạn phải thuyết phục được rằng “ước mơ“ của bạn xứng đáng được bỏ tiền ra đầu tư đã.

Trong mối quan hệ tài chính – nghệ sĩ này tôi liên tưởng ngay đến Nguyễn Hoàng Điệp và Đập cánh giữa không trung – bộ phim sẽ chính thức chiếu tại các rạp CGV trên toàn quốc từ ngày 23/1 tới. Điệp hẳn phải rất giỏi mới thuyết phục được năm quỹ lớn trên thế giới bỏ tiền đầu tư cho bộ phim đầu tay của cô. Điệp mong bộ phim cũng được khán giả đón nhận bằng cách mua vé vào rạp xem phim. Mỗi vé xem phim là một phần “tái đầu tư“ được trả lại cho nhà sản xuất, để họ có thể tiếp tục dấn thân vào những cuộc phiêu lưu điện ảnh kế tiếp.

Tại liên hoan phim Clap! Hanoi, anh định chia sẻ điều gì với các bạn trẻ?

Tôi thực lòng muốn lắng nghe các bạn trẻ và các khán giả nhận xét và trao đổi về các bộ phim nói riêng và về điện ảnh nói chung. Còn điều tôi muốn chia sẻ ư? Hẹn gặp các bạn tại buổi chiếu chùm bốn phim ngắn Việt Nam do tôi lựa chọn riêng cho CLAP! vào lúc 20g45 ngày 24 /1/2015 tại l’Espace nhé! 

Nhiều khán giả hơi sốc khi nghe Marcus Mạnh Cường Vũ tuyên bố chia tay với YxineFF. Anh có thể cho biết vì sao không?

Tôi rời YxineFF từ tháng 8 năm 2014 vì lý do cá nhân. Và do đó, tôi muốn giữ lý do đó cho riêng mình và xin phép không chia sẻ rộng rãi.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này. 

MỚI - NÓNG