Phía sau tuyến ký sự dài kỳ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù nhiều lần được nghe ông bà kể chuyện, được đọc những trang sách viết về các anh hùng Điện Biên Phủ như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện và Trần Can, về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn” trong thơ Tố Hữu nhưng chúng tôi vẫn bồi hồi, xúc động khi được giao nhiệm vụ…

Chuẩn bị

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện trọng đại, đầy tự hào của đất nước ta trong năm 2024. Xác định đúng tầm vóc của sự kiện nên từ sớm, Ban Biên tập báo Tiền Phong đã lập kế hoạch, đề cương tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền được chia thành từng phần, giao cụ thể cho từng ban chuyên môn thực hiện.

Phía sau tuyến ký sự dài kỳ ảnh 1

Nhóm phóng viên Ban Bạn đọc tác nghiệp tại Điện Biên Phủ

Trong kế hoạch đó, hồi ức về những năm tháng chiến đấu không quên của những tướng lĩnh, chiến sĩ Điện Biên năm xưa là mảng đề tài mà báo tập trung nhất trong đợt tuyên truyền này. Đây cũng là cơ hội gần như cuối cùng có thể được nghe những nhân chứng sống kể chuyện.

Mảng thông tin này được giao cho phóng viên khắp cả nước của báo Tiền Phong thực hiện. Tuy nhiên, để có sự tập trung, liền mạch, Ban Biên tập đã giao cho Ban Bạn đọc chủ công. Ban được giao trở lại Tây Bắc, trở lại Điện Biên theo con đường hành quân của các chiến sỹ năm xưa để ghi và kể chuyện.

Chúng tôi chia ra liên lạc với từng đầu mối để thực hiện từng phần việc trong tuyến bài. Cuối mỗi ngày tác nghiệp, nhóm tập hợp lại ghi chép nhật ký thống kê những việc làm được, chưa làm được và lên kế hoạch, xây dựng câu hỏi cụ thể đến từng nhân vật cho ngày tiếp theo.

Trong câu chuyện của ông bà và những trang sách lịch sử, chúng tôi bị hấp dẫn bởi hình ảnh anh hùng Điện Biên Phủ như Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo hay Trần Can nhặt lựu đạn đã rút chốt của địch ném ngược về phía địch…Thế nên, những phóng viên trẻ như chúng tôi lại càng bồi hồi, xúc động hơn khi được giao nhiệm vụ.

Phía sau tuyến ký sự dài kỳ ảnh 2

Thêm nữa, đây là sự kiện lớn, báo Tiền Phong là tờ báo chính trị - xã hội nên trong giao ban nội dung hàng ngày, lãnh đạo báo luôn chỉ đạo sát sao, thúc giục. “Cứ trở lại Điện Biên theo cung đường mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Đến đó ghi nhận, nghe những nhân chứng còn sống kể lại những câu chuyện, so sánh đối chiếu giữa trước đây và hiện nay một cách hấp dẫn, chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ được làm “sống lại””, Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản hướng dẫn.

Ngay sau đó, lãnh đạo và các thành viên Ban Bạn đọc chúng tôi đã bàn bạc, cắt cử nhóm tác nghiệp gồm 4 người tập trung tìm hiểu, tham vấn từ các đồng nghiệp tại Điện Biên để hoàn thành sơ lược đề cương tuyến ghi chép. Sau đó, các địa danh trọng yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ như cứ điểm của địch (Khu đề kháng Him Lam, phân khu Trung tâm Mường Thanh, phân khu Hồng Cúm), Đèo Pha Đin, Sở Chỉ huy chiến dịch của ta ở Mường Phăng, Ngã 3 Cò Nòi, bến phà Tạ Khoa… được đưa vào kế hoạch để khảo sát, ghi chép và tìm gặp lại các nhân chứng để viết bài.

Phía sau tuyến ký sự dài kỳ ảnh 3

Ngoài ra, các thông tin tỉnh Điện Biên đã và đang thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá- du lịch… ra sao cũng được chọn đưa vào tuyến bài. Ví dụ như việc phát triển sân bay Điện Biên trên nền sân bay Mường Thanh của quân đội Pháp trước đây hay những đặc sản Điện Biên khẳng định được thương hiệu như gạo, cà phê, các loại dược liệu… cũng được đưa vào đề cương.

Ngoài thực hiện tuyến bài ghi chép cho báo giấy, nhóm phóng viên Ban Bạn đọc cũng lên kịch bản, chuẩn bị thiết bị như máy ảnh, máy quay, flycam, míc… để thực hiện các sản phẩm số cho báo Tiền Phong điện tử.

Tác nghiệp

Đề cương được chúng tôi hoàn thành ngay, Ban Biên tập báo duyệt, nhóm phóng viên chia hai mũi tiến lên tỉnh Điện Biên. Trên đường đi, hai nhóm dừng lại tại những di tích lịch sử trên đường hành quân của các chiến sỹ Điện Biên năm xưa để ghi nhận, gặp lại các nhân chứng hiếm hoi còn mạnh khỏe.

Phía sau tuyến ký sự dài kỳ ảnh 4

Tại tỉnh Điện Biên, để có cái nhìn tổng thể về kế hoạch tuyên truyền của tỉnh và hệ thống lại nội dung cần thực hiện, nhóm phóng viên đã liên hệ, trao đổi cụ thể với ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tiểu ban Tuyên truyền sự kiện. Dù tất bật với núi công việc chuẩn bị cho sự kiện và cả công việc thường nhật nhưng ông Bằng vẫn dành cho nhóm phóng viên hơn 2 giờ đồng hồ để nghe về kế hoạch viết bài của nhóm. Sau mỗi nội dung trao đổi, chúng tôi được tiếp cận với những đầu mối và hình hài bài viết đã thêm rõ ràng.

Chúng tôi chia ra liên lạc với từng đầu mối để thực hiện từng phần việc trong tuyến bài. Cuối mỗi ngày tác nghiệp, nhóm tập hợp lại ghi chép nhật ký thống kê những việc làm được, chưa làm được và lên kế hoạch, xây dựng câu hỏi cụ thể đến từng nhân vật cho ngày tiếp theo. Trong 11 ngày, nhóm đã hoàn thành công việc trong đề cương đưa ra và thực hiện viết bài nộp về tòa soạn.

Hoàn thành

Dù đã lường trước được những khó khăn về ăn, ngủ, đi lại nhưng thời điểm đó khá chật vật. Tại Điện Biên, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn chưa đáp ứng được nhu cầu du lịch của du khách, nhất là dịp lễ trọng như Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi đã khắc phục khó khăn để tập trung vào nhiệm vụ.

Việc kể lại sinh động, “chuyện hóa” những trận đánh lịch sử, xâu chuỗi ký ức, quá khứ một thời và khát vọng hiện tại, con người, cảnh vật sau 70 năm là việc khó khăn nhất. Ngoài gặp những nhân vật tham gia các trận đánh để nghe, ghi lại những câu chuyện, cảm xúc của họ, nhóm tác giả và các bộ phận biên tập, be quét phía sau buộc phải đọc lại các tài liệu, tham vấn các chuyên gia để thẩm định lại các nội dung nhân chứng kể sao cho chính xác. Bởi trải qua 70 năm lịch sử, những người còn sống hầu hết đã ngoài 90 tuổi. Một số người không thể nhớ hết các chi tiết về trận đánh rất ác liệt khi xưa.

Trong kế hoạch tuyên truyền nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lần này của báo Tiền Phong cũng có nội dung phản ánh việc Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Điện Biên đang phát huy truyền thống lịch sử hào hùng trước đây như thế nào. Phần này cũng được nhiều nhóm phóng viên thực hiện nhưng nhóm phóng viên của Ban Bạn đọc khi “nằm vùng” tại Điện Biên đã có những bài phỏng vấn, khảo sát thực tế được đánh giá khá sinh động.

Tổng kết chuyến đi, nhóm phóng viên đã hoàn thành 18 kỳ phóng sự ghi chép. Đây là tuyến bài kỷ lục, nhiều kỳ nhất từ trước đến nay được đăng trên báo Tiền Phong. Ngoài ra, nhóm còn sản xuất một số bài viết riêng biệt khác cho ấn phẩm đặc biệt nhân 30/4- 1/5 và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và khoảng 20 sản phẩm số trên báo Tiền Phong điện tử.

Tuyến bài được Ban Biên tập đánh giá là hấp dẫn, có nhiều nội dung mới chưa từng xuất hiện trước đây. Chúng tôi cũng nhận được một số lời khen ngợi của đồng nghiệp, bạn đọc và được Ban Biên tập khen thưởng. Với chúng tôi, đó là một đợt tác nghiệp/một “trận chiến” quy mô, đoàn kết một lòng, hiệu quả và ý nghĩa.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.