“Cho tôi cảm ơn Quỹ NAFOSTED”
Số bài báo, công trình công bố quốc tế ở Việt Nam năm năm qua là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm. Tính tổng số công bố quốc tế giai đoạn 2011-2015, chúng ta xếp thứ 59 trên thế giới, tăng 7 bậc so với giai đoạn 2006-2010. Ở Ðông Nam Á, chúng ta xếp sau Singapore (thứ 32 thế giới), Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43), trên một số nước như Indonensia, Philipinnes.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ chế quỹ ở các doanh nghiệp, các bộ ngành và địa phương”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Toán học, Vật lý và Hóa học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế. Riêng Toán học, chúng ta có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Ðông Nam Á. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ, ở Hoa Kỳ, để có một công bố quốc tế phải mất khoảng 150.000 USD, để có một sáng chế mất khoảng 2 triệu USD. Ở Việt Nam con số này thấp hơn nhiều. Ðó là một cố gắng đáng ghi nhận của các nhà khoa học Việt Nam trong bối cảnh đầu tư cho KH&CN còn rất hạn chế.
Số bài báo, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh thời gian qua xuất phát từ việc tăng quy mô và hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED). Quỹ áp dụng cơ chế tài trợ các dự án nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, chú trọng sản phẩm đầu ra (số lượng bài báo, công trình công bố quốc tế), minh bạch hóa quy trình xét chọn, tuyển chọn nhiệm vụ.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015, GS.TSKH Ðinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin, Ðại học Quốc gia Hà Nội (giành giải công trình xuất sắc) tâm sự “Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến quỹ NAFOSTED đã giúp các nhà khoa học có cơ hội tiếp cận với các đề tài nghiên cứu”.
TS Trần Thu Hương, Phòng Quang hóa điện tử, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), người từng hai lần thực hiện đề tài do quỹ NAFOSTED chia sẻ “Nhờ có quỹ NAFOSTED mà những nhà khoa học trẻ như mình mới có cơ hội thực hiện các đề tài cấp bộ, cấp quốc gia. Quỹ không chỉ minh bạch trong quá trình xét chọn, chặt chẽ trong quản lý sản phẩm đầu ra mà còn đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán. Rất thuận lợi cho nhà khoa học”.
Nhân rộng cơ chế quỹ
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 và sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đánh giá, năm năm qua, ngành KHCN đã làm được nhiều việc đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước. Ðáng nói nhất là đẩy mạnh cách tiếp cận mới trên nhiều vấn đề. Thời gian qua là thời gian sôi sục, tìm mọi cách để tháo gỡ, chuyển sang hướng mới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đẩy mạnh cơ chế quỹ chính là cách tiếp cận mới, tiệm cận với thông lệ quốc tế dù quá trình thực hiện cơ chế quỹ gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Quỹ NAFOSTED được thành lập từ 2003 nhưng năm 2008, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia mới hoạt động. Năm 2009 mới chính thức tài trợ cho các đề tài, dự án. Mất tới 6 năm trời mới thông qua được cơ chế tài chính của quỹ. Tuy vậy, ngay khi hoạt động, quỹ đã cho thấy hiệu quả, được giới khoa học đánh giá cao. Công bố quốc tế Việt Nam tăng 20% một năm. Năm 2015, số bài báo công bố quốc tế từ quỹ là hơn 600, hơn tổng số bài báo công bố quốc tế của cả nước gộp lại.
Bộ trưởng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, dù gặp phải sự phản đối không ít nhưng cơ chế quỹ đã cho thấy hiệu quả rất tích cực. Vì thế, Luật KH&CN 2013đã cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế quỹ. Nhờ vậy, Quỹ Ðổi mới Công nghệ Quốc gia đã được thành lập vào tháng 1/2015, bắt đầu tài trợ từ tháng 12/2015. Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới KHCN trong bối cảnh Việt Nam gia nhập cộng đồng chung ASEAN, ký Hiệp định TPP và các hiệp định tự do thương mại khác. “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ chế quỹ ở các doanh nghiệp, các bộ ngành và địa phương”, Bộ trưởng Quân cho biết.