Nhưng điều này có đúng không? Trước khi đi đến câu trả lời, trước tiên chúng ta hãy xem mục đích của chiếc mặt nạ. Mặt nạ của phi công tiêm kích chủ yếu dùng để giúp cho phi công tránh rơi vào tình trạng thiếu oxy, tức là thiếu oxy lên não. Ở độ cao của máy bay tiêm kích, độ đậm đặc của không khí chỉ bằng 1/3 so với mực nước biển.
Đối với hầu hết mọi người, trong điều kiện này, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện: ngứa ran ở ngón tay, sau đó là choáng váng nhẹ. Nếu không được kiểm soát, có thể nhanh chóng dẫn đến nhầm lẫn và cuối cùng là mất ý thức và cuối cùng là thảm họa. Mặt nạ hiện đại có một số tính năng bổ sung để hỗ trợ phi công. Gần như tất cả các mặt nạ đều được tích hợp micro. Bằng cách nhấn một nút, thường là trên van tiết lưu, phi công có thể liên lạc qua một trong nhiều bộ đàm trên máy bay. Một số mặt nạ còn có đèn chiếu sáng bên trong.
Thông thường, vào ban đêm, phi công sẽ bay với buồng lái càng tối càng tốt, tuy nhiên, khi đọc bản đồ hoặc viết, họ sẽ dùng lưỡi ấn vào một nút bên trong mặt nạ, kích hoạt ánh sáng trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cải tiến quan trọng nhất là khả năng điều chỉnh áp suất bên trong mặt nạ một cách thông minh. Khi độ cao tăng lên, việc thở trở nên khó khăn hơn vì áp suất bên trong phổi không còn chênh lệch lớn với áp suất không khí bên ngoài cơ thể.
Bằng cách đưa áp suất dương và đẩy không khí vào phổi của phi công, hiệu ứng này có thể được xử lý, giảm bớt sự mệt mỏi cho phi công. Áp suất dương cũng giúp phi công chống lại lực G (lực trọng trường Trái Đất (Gravity of Earth), ký hiệu là G, đề cập đến gia tốc mà Trái Đất gây ra cho các đối tượng ở trên hoặc gần của bề mặt Trái Đất) mà phi công gặp phải khi ngoặt máy bay gấp.
Nếu bạn đã từng đi tàu lượn siêu tốc chạy một vòng và đầu bạn bị đẩy xuống, đó là 3G. Trong một máy bay chiến đấu hiện đại, phi công sẽ chịu đựng 9G. Đó là lực 1.000kg đè dí phi công vào chỗ ngồi. Cảm giác như một chiếc ô tô đang đậu trên ngực bạn. Điều này có thể khiến bạn vô cùng khó thở. Bằng cách đẩy không khí vào phổi của phi công, mặt nạ hiện đại giúp phi công thở trong khi chịu đựng lực G cao trong một khoảng thời gian nhất định.
Bây giờ chúng ta đã xem qua tác dụng của mặt nạ, hãy nói về áp suất không khí bên trong buồng lái. Máy bay chiến đấu khác với máy bay dân dụng: Để tiết kiệm trọng lượng và không gian, phi công không duy trì áp suất liên tục bên trong buồng lái. Từ mực nước biển đến 2500m, buồng lái không hề được điều áp.
Từ 2.500m đến khoảng 8.300m, phi công duy trì áp suất bên trong buồng lái tương tự như nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Khi phi công leo lên độ cao 17km, áp suất bên trong buồng lái tương đương với áp suất không khí ở khoảng 7km, hoặc độ cao của một số ngọn núi cao nhất thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu một phi công tháo mặt nạ?
Câu trả lời còn phụ thuộc vào nhiều thứ. Nếu đang bay dưới 8.300m, phi công có thể bỏ mặt nạ xuống và không cảm thấy bất kỳ tác động nào. Mặc dù vậy, phi công không làm như vậy vì việc giảm áp buồng lái có thể nhanh chóng hút hết không khí - nhanh hơn nhiều so với máy bay dân dụng do buồng lái nhỏ. Ngoài ra - như bất kỳ ai đã đến thăm một thành phố cao đều có thể chứng thực – phi công dễ mệt mỏi hơn khi bỏ mặt nạ. Tuy nhiên, trên 8.300m, không đeo mặt nạ kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy.
Nhưng bởi vì tình trạng mất nước có thể gây bất lợi tương tự như tình trạng thiếu oxy trên máy bay chiến đấu, hầu hết các phi công sẽ thả mặt nạ xuống nhiều lần trong suốt chuyến bay để uống nước và trong các nhiệm vụ dài hơn, để ăn. Miễn là việc bỏ mặt nạ chỉ trong một thời gian ngắn, những ảnh hưởng là không đáng kể.