Công bố 'Nhật ký phi công tiêm kích': Sử vàng thế hệ anh hùng

Trung tướng Nguyễn Đức Soát xuất bản “Nhật ký phi công tiêm kích” để tri ân đồng đội. Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
Trung tướng Nguyễn Đức Soát xuất bản “Nhật ký phi công tiêm kích” để tri ân đồng đội. Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
TP - Giữ kín những trang nhật ký suốt mấy chục năm, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân vừa tập hợp in thành cuốn Nhật ký phi công tiêm kích. Ông trò chuyện với Tiền Phong về cơ duyên công bố những trang sử vàng thế hệ phi công anh hùng.

Một số trang nhật ký đời phi công tiêm kích trước đây từng xuất hiện lác đác trên truyền thông. Từng muốn giữ nhật ký cho riêng mình nhưng vì đâu ông quyết định tập hợp trong cuốn sách hơn 400 trang?

Quả thực tôi viết nhật ký rất lâu rồi, ngay khi sang Liên Xô học lái máy bay năm 1965, đến tháng 3 năm 1966 khi chuẩn bị bay tôi đã viết nhật ký. Tôi viết đều từ 1966 đến 1968 tốt nghiệp về nước, rồi từ năm 1968 bắt đầu trực ban chiến đấu ở nhà, tham gia chiến đấu ở các chiến trường cho tới 31/12/1972.

Những trang nhật ký này là những ghi chép riêng tư thôi, là sự trải lòng của anh học sinh mới ra trường đi nước ngoài học làm phi công, trải lòng của anh học viên mới học bay trở về nước tham gia trực ban chiến đấu. Tôi không hề muốn ai biết tới nhật ký của mình. Thời chiến, có những cuốn viết xong tôi thường gửi về nhà, còn lại tôi thường đem theo nhật ký khi xuất kích chiến đấu hoặc tập luyện. Bao giờ khi bay lên trời, cuốn nhật ký cũng nằm trong túi áo bay bên trái cùng khẩu súng ngắn dùng để tự vệ trong trường hợp nhảy dù.

Gần đây nước ta có những lễ kỷ niệm những sự kiện lớn như 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, một số anh em biết tôi có nhật ký nên đề nghị được xem và trích đăng. Gần đây nhất nhân 65 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Không quân, các đồng chí trong Ban Liên lạc Cựu chiến binh Không quân có đề nghị tôi viết một bài tư liệu. Tôi giở lại nhật ký bỗng thấy mình như gặp lại những người bạn thời xưa, gặp lại giai đoạn hào hùng của đất nước, thấy được lòng yêu nước, khát khao chiến đấu của cả thế hệ thanh niên thời bấy giờ.

Có nhiều tấm gương sáng, những tấm gương hi sinh dũng cảm của bạn bè, tình cảm yêu quý nhau trong chiến tranh…, tôi muốn mọi người biết đến vì nhiều người trong số họ ít xuất hiện trên truyền thông. Có những đồng chí đã hi sinh trong chiến tranh, có người chỉ sau chiến tranh thời gian ngắn nên chưa có sách nào viết kịp về họ cả.

Nhật ký mang dấu ấn cá nhân, những ghi chép riêng tư nhưng dường như ở “Nhật ký phi công tiêm kích”, người đọc lại thấy tác giả nhắc nhiều hơn tới bạn bè, đồng đội. Vì sao vậy thưa Trung tướng?

Đúng là cuốn sách này tôi viết về mình không nhiều, chủ yếu viết về bạn bè, đồng đội. Tôi tập hợp lại in thành sách để tri ân đồng chí bạn bè, những người cùng mình vào sống ra chết, tri ân những cán bộ chỉ huy tài ba dìu dắt chúng tôi trong chiến tranh, tri ân những người làm công tác kỹ thuật bởi lẽ đặc điểm của không quân là hơn 30 người từ cán bộ chỉ huy, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thợ máy tập trung lo cho một phi công để có thể bay lên trời chiến đấu.

Một trong những điều tôi luôn tự hào là được sinh ra lớn lên trong giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Trong đó giai đoạn 10 năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc 1955-1965 thực sự đào tạo ra lớp học sinh sinh viên tuyệt vời, thể hiện rất rõ tình yêu đất nước, tình cảm cách mạng, ý thức công dân trước vận mệnh của đất nước. Tôi không rõ bộ binh và các đơn vị khác thế nào, nhưng tất cả đồng đội không quân của tôi tham gia chiến đấu, hi sinh gian khổ là thế nhưng không ai chùn bước.

Trước mỗi trang nhật ký về bạn bè, đồng đội ông thường đặt tiêu đề đẫm tình đồng đội như “Ngô Duy Thư giỏi quá”, “Hoan hô thằng Lanh”, “Nguyễn Tiến Sâm thật dũng mãnh” hay “Thương Đức quá”. Hẳn họ để lại những ấn tượng đặc biệt với ông trong cuộc sống và chiến đấu?

Nhiều phi công dũng cảm, tài ba lắm mà tôi muốn lưu lại trên những trang sách để các thế hệ sau hiểu hơn. Như Đỗ Văn Lanh bắn rơi 4 máy bay và có thành tích đặc biệt. Có hôm khi đánh trận về, máy bay cạn sạch dầu cách sân bay 40-50km và ở độ cao 7 cây số được chỉ huy cho nhảy dù để tránh hi sinh, thế nhưng Lanh khéo léo điều khiển đưa máy bay không động cơ về hạ cánh an toàn. Hoặc có trận ở Việt Trì trúng pháo cao xạ bị vỡ đuôi, máy bay rung lắc mạnh nhưng Lanh vẫn xông vào trận và bắn rơi máy bay F-4.

Tôi rất muốn nhắc tới anh Nguyễn Tiến Sâm - vừa mất một năm trước. Khi tôi bắn rơi 4 chiếc rồi còn anh chưa chiếc nào, có hôm nghĩ quẩn định đâm cả máy bay vào địch nếu không bắn trúng mục tiêu nhưng tôi bảo ông đâm vào nó thì làm sao về được nữa, chỉ cần có thời cơ chắc chắn đánh tốt. Điều tuyệt vời xảy ra, chỉ sau ba tháng tính từ tháng 7/1972, Sâm bắn rơi 5 chiếc F-4.

Nhiều người quan niệm trong không quân, biên đội bay số 1 tấn công thì chiếc thứ hai làm nhiệm vụ yểm hộ, thực ra không phải vậy. Lực lượng của mình mỏng nên khi lên trời, chỉ huy sẽ phân công các tốp để mình chiến đấu. Trong biên đội số 2 cùng tôi có Nguyễn Văn Cốc, Ngô Duy Thư đều lập công bắn rơi máy bay địch. Năm 1979 Thư hi sinh trong một lần bay tập. Tôi có những người bạn rất thân như Vũ Xuân Thiều hi sinh trong trận cuối năm 1972. Tình cảm của anh em gắn bó ghê gớm, tôi thể hiện điều đó qua mỗi trang sách.

Quyết định công bố nhật ký hẳn ông tự tin ở tính chân thực về con người, sự kiện lịch sử?

Tôi cho in 85% nhật ký cá nhân. Bớt đi một số trang vì lặp lại thôi chứ tất cả nhật ký những ngày đánh nhau không bỏ ngày nào. Tôi viết thế nào thì cho in như thế, không điều chỉnh gì cả. Mình tôn trọng sự thật, đừng biến nhật ký thành hồi ký mà nó hỏng đi mất. Cách viết của anh học sinh 21, 22 tuổi khác lắm, chẳng hạn năm 1969 lần đầu tiên bắn rơi máy bay không người lái, tôi lâng lâng với niềm vui rất trẻ con nên nghĩ sao viết vậy.

Để đảm bảo an toàn hơn nữa, tôi còn gửi bản thảo tới Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Tư lệnh để xem xét và nhận được phản hồi rất tốt. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị đã viết lời tựa cho cuốn sách. Dự định ra mắt hồi tháng 5 nhưng vướng COVID-19, tôi thêm một lần nữa nhờ bạn bè, anh em góp ý. Và để người đọc dễ theo dõi, bên cạnh những trang nhật ký năm xưa, tôi viết thêm những dòng giới thiệu rõ bối cảnh (in nghiêng). Vì thế, Nhật ký phi công tiêm kích được làm ra một cách nghiêm cẩn, đảm bảo tôn trọng sự thật.

Cảm ơn ông.

Công bố 'Nhật ký phi công tiêm kích': Sử vàng thế hệ anh hùng ảnh 1

Phi công bắn rơi F-4J duy nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ

Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh 1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội. Nhập ngũ 4/7/1965, ông là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27, bắn rơi 6 máy bay Mỹ, từng giữ chức vụ: Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 26/8/1972, ông bắn rơi chiếc F-4, trong tài liệu tổng kết của Bộ Tư lệnh Không quân năm 1973 đã ghi chiếc F-4 này là chiếc F-4J duy nhất của Thủy quân Lục chiến Mỹ bị bắn hạ tại Việt Nam. Các không đoàn F-4 của Thủy quân Lục chiến Mỹ làm nhiệm vụ yểm trợ cho Thủy quân lục chiến ở miền Nam Việt Nam. Năm 2011, đại úy Mỹ Richard Berry gửi thư cho Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị gặp Tướng Soát, bởi Berry là bạn thân của phi công Sam Garry Cordova-phi công F-4J bị hạ năm xưa. 

Sau này, Trung tướng Nguyễn Đức Soát là người đề xuất và tổ chức ba cuộc gặp giữa cựu phi công Mỹ và Việt Nam từng tham chiến để tìm hiểu thêm chuyện phía sau các trận đánh, cũng như cơ hội để khép lại quá khứ.

MỚI - NÓNG