Bệnh nhân Cường mắc bệnh máu khó đông từ nhỏ. Tình trạng chảy máu gây biến chứng thoái hóa khớp ngày càng trở nặng, khoảng 5 năm nay bệnh nhân phải đi nạng, ngồi xe lăn. Dù đã đến nhiều bệnh viện từ địa phương đến trung ương điều trị nhưng chưa thể can thiệp dứt điểm.
BS-CKII Lê Hoàng Văn Hải - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình bệnh viện Q. Thủ Đức cho hay, qua thăm khám chẩn đoán hình ảnh xác định, khớp gối của bệnh nhân bị biến dạng nặng, dây chằng thoái hóa khiến khớp lỏng lẻo gây khó khăn cho vận động. Nguy hiểm hơn, đây là trường hợp mắc bệnh Hemophilia – thiếu yếu tố VIII nên mọi can thiệp thủ thuật, phẫu thuật sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong đó tình trạng xuất huyết không cầm được có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay trên bàn mổ hoặc tử vong trong quá trình hậu phẫu.
Do đó, bác sĩ đã tư vấn đề nghị người bệnh thực hiện kỹ thuật hàn khớp gối (cố định khớp bằng keo sinh học để tránh nguy cơ chảy máu cũng như biến chứng nặng thêm). Tuy nhiên, nếu dùng kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ rất bất tiện trong sinh hoạt suốt phần đời còn lạ, trong khi bệnh nhân còn quá trẻ.
Vì thế, bệnh viện Q. Thủ Đức đã quyết định tiến hành hội chẩn và chỉ định thực hiện cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành cùng lúc việc tái tạo dây chằng và thay khớp gối (phải) nhân tạo. Đồng thời để tránh tình trạng xuất huyết, bác sĩ đã truyền liên tục yếu tố đông máu cho bệnh nhân. Hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có nhiều chuyển biến tốt, vết thương khô, không bị chảy máu. Dự kiến bệnh nhân sẽ vật lý trị liệu, tập đi nạng trong khoảng từ 6 - 8 tuần để có thể tự đi lại bình thường.
Theo BS Hải, những bệnh nhân mắc bệnh lý Hemophilia thì nguy cơ chảy máu, biến chứng có thể tái đi tái lại. Để tránh nguy cơ biến chứng, di chứng người bệnh cần được cung cấp yếu tố đông máu trong dự phòng, song giải pháp trên mới chỉ được áp dụng tại các quốc gia phát triển.