Phát triển thương mại tới vùng sâu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cơ cấu kinh tế của tỉnh Gia Lai từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại. Bởi vậy, trước những yêu cầu mới về phát triển nhanh và bền vững ngành thương mại, phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai về công tác quản lý nhà nước, cũng như vai trò của sự phát triển đối với chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Phát triển thương mại tới vùng sâu ảnh 1
Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai Phạm Văn Binh

PV: Phiền ông có thể khái quát về tình hình hoạt động thương mại thời gian qua trên địa bàn?

Ông Phạm Văn Binh: Trong năm 2022, Sở phối hợp với các đơn vị xây dựng 4 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại các huyện: Krông Pa, Đak Pơ, Chư Pưh và Đak Đoa. Cùng với đó triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Nhờ đa dạng hóa các chương trình, dự án, một số loại hình hạ tầng thương mại đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác thương mại được nâng lên, những người trực tiếp kinh doanh cũng từng bước tiếp cận kiến thức, nắm bắt kịp xu hướng và những đòi hỏi về kỹ năng phát triển thương mại để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 102 chợ (1 chợ hạng I, 13 chợ hạng II, 73 chợ hạng III và 15 chợ tạm); 18 siêu thị (9 siêu thị tổng hợp và 9 siêu thị chuyên doanh); 170 cửa hàng tiện lợi. Hệ thống hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Hoạt động thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa chủ yếu tập trung ở các chợ truyền thống. Đây là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và là nơi phản ánh trình độ phát triển kinh tế-xã hội, phong tục tập quán của một vùng dân cư.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về sự cần thiết của thương mại tới vùng sâu?

Ông Phạm Văn Binh: Toàn tỉnh có 311 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (49 sản phẩm đạt 4 sao, 262 sản phẩm đạt 3 sao) của 154 chủ thể (30 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 82 cơ sở sản xuất kinh doanh). Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực, cùng nhiều mặt hàng đặc sản, đặc trưng có chất lượng tốt được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là tiềm năng để phát triển sản phẩm qua chế biến ra thị trường.

Hiện đang có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, nhiều huyện đất rộng người thưa, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, việc tiếp cận công nghệ tiên tiến còn hạn chế, trình độ dân trí chưa cao, cơ sở hạ tầng thương mại quy mô nhỏ nên hoạt động giao lưu hàng hóa tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa sôi động. Bên cạnh đó, công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại cho các xã vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn...

Chính vì vậy, việc ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa phù hợp với phong tục tập quán và quy mô sản xuất của từng địa phương; phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh và với các vùng miền khác, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Phát triển thương mại tới vùng sâu ảnh 2

Sở Công Thương Gia Lai cùng chính quyền địa phương trao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Ksor H’Đeo

PV: Thưa ông, thời gian tới cần những yêu cầu nào để phát triển thương mại vùng sâu?

Ông Phạm Văn Binh: Để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm đặc trưng miền núi, vùng sâu, vùng xa cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng; chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; tổ chức mạng lưới phân phối hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá sản phẩm địa phương.

Song hành với làm tốt nhiệm vụ, Sở Công Thương Gia Lai luôn quan tâm đến hoạt động xã hội, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Vừa qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Krông Pa và Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa cho gia đình bà Ksor H’Đeo là gia đình người có công với cách mạng. Căn nhà có diện tích 54m2, được xây dựng theo kiểu nhà sàn của người Jrai với sàn, tường, cột được làm bằng gỗ, mái lợp tôn. Tổng trị giá căn nhà gần 70 triệu đồng, trong đó Sở và Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên hỗ trợ 60 triệu đồng.

Trên cơ sở định hướng của kế hoạch triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, ngành Công thương sẽ chủ động triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu của Sở sẽ thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh với các vùng miền khác, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành Công thương, người dân, các cơ quan nhà nước về tầm quan trọng của việc phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Phát triển thương mại tới vùng sâu ảnh 3
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai rất đa dạng, chất lượng

Để hiện thực điều này cần phải xây dựng các mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của tỉnh như hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy mô thị trường của từng địa bàn. Phối hợp với UBND các huyện, các sở, ngành liên quan, doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng. Các sản phẩm trưng bày sẽ là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của 9 huyện (Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Sê và Ia Grai) có thế mạnh về xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, chương trình kết nối giao thương giữa Gia Lai với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh, thành trên cả nước; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng tham gia các chuỗi cung ứng thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử lớn nhằm tăng khả năng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước.

Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hệ thống cung ứng các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xã hội hóa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập. Đồng thời, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của các địa phương vào tiêu thụ tại các siêu thị Co.op Mart, WinMart và một số siêu thị bán lẻ tại các tỉnh, thành khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.