Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên: Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú

Thượng tướng Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Thượng tướng Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Chiều 11/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên - Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú”.

Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác liên kết “4 nhà”, Tái cơ cấu Nông nghiệp cho 3 buôn đồng bào Ê Đê và phát động phong trào Nông dân sản xuất – Kinh doanh giỏi. 

Đại diện Agribank, Phó Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng tham dự, Giám đốc Agribank Bắc Đắk Lắk Nguyễn Ngọc Tuấn tham gia ký kết hợp tác.

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Hội thảo được tổ chức thể hiện mong muốn của các nhà quản lý, nhà khoa học cũng như cách tiếp cận mới trong việc đổi mới nông nghiệp ở Tây Nguyên nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung. Tây Nguyên có vị trí địa chính trị và an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng của đất nước. Là một trong những vùng có tiềm năng lớn nhất để phát triển nông nghiệp hàng hóa do có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, đất đai trù phú. Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của vùng và nguyên nhân do chủ quan là chủ yếu như cơ chế, chính sách

Vượt qua những khó khăn, tồn tại, Tây Nguyên đã hình thành những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su. Khu vực này đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu, biết tận dụng tối đa lợi  thế về điều kiện tự nhiên, biết tìm tòi, áp dụng công nghệ vào nông nghiệp… để xây dựng được những mô hình sản xuất tốt, có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 01 tỷ đồng/ha, thậm chí 1,5-1,6 tỷ đồng/ha.

Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Tô Lâm nhận định, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, môi trường và sinh thái của cả nước. Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và lợi thế to lớn về nhiều mặt để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước. Đến nay, khu vực Tây Nguyên đã hình thành những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su… góp phần quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới và khu vực.

Tuy nhiên, đến nay kinh tế- xã hội khu vực Tây Nguyên nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Thượng tướng Tô Lâm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND các tỉnh Tây Nguyên cần chủ động nâng cao năng suất hiệu quả cây trồng, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nguồn nước, trồng và bảo vệ rừng, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi, mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đặc biệt cần sự vào cuộc quyết liệt của các nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên bền vững.

Với những kinh nghiệm trực tiếp từ chính những người dân thành công sẽ là các bài học thực tiễn quý giá về cách tổ chức sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thảo luận và lựa chọn được các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, bền vững để đề xuất với các Bộ, Ngành và địa phương liên quan tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả trên cả nước. Hội thảo cũng là dịp để nhìn nhận lại quá trình thực hiện liên kết 4 nhà để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tây Nguyên trong thời gian tới đây.

Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên: Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú ảnh 1 Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề: Tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên-Một góc nhìn; xây dựng và phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao ở Tây Nguyên-Cơ hội và thách thức; những định hướng trong phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến ở Tây Nguyên; nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ-Lựa chọn và tất yếu; vai trò của khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, Hội thảo được nghe một số tham luận kiến thức, kinh nghiệm của các tỷ phú nông dân đến từ các tỉnh Tây Nguyên với mô hình xen canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho năng suất, sản lượng và giá trị cao.

Tại Hội thảo, Agribank đại diện nhà doanh nghiệp đã tham gia ký kết hợp tác liên kết “4 nhà” gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Giám đốc Agribank Bắc Đắk Lắk Phạm Ngọc Tuấn đại diện Agribank đã tham gia ký kết hợp tác. 

Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên: Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú ảnh 2 Giám đốc Agribank Bắc Đắk Lắk Phạm Ngọc Tuấn tham gia ký kết hợp tác liên kết “4 nhà”
Trong gần 30 năm hình thành và phát triển, với hệ thống mạng lưới lớn gần 2.300 điểm giao dịch trên toàn quốc, Agribank luôn đi đầu và thực hiện tốt chính sách tam nông của Đảng và Chính phủ: tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt 70% trên tổng dư nợ; với gần 4 triệu khách hàng đang có dư nợ tại Agribank. Hiện Agribank đang tích cực triển khai 7 chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn và 1 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện tại, trên toàn khu vực Tây Nguyên, Agribank có 9 chi nhánh loại I và hệ thống các chi nhánh loại 2, phòng giao dịch đang hoạt động, đảm bảo vốn cho vay, cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng phục vụ đến tận huyện, xã cho người dân. Tổng nguồn vốn huy động năm 2016 đạt trên 924.000 tỷ đồng, trong đó khu vực Tây Nguyên xấp xỉ 37.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2016 đạt hơn 791.000 tỷ đồng, khu vực Tây Nguyên đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Trong hoạt động đầu tư tín dụng, ngoài các lĩnh vực thương mại, sản xuất truyền thống, hiện nay, Agribank đang tiếp tục tìm kiếm, thúc đẩy đầu tư đối với các dự án sản xuất áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín đảm bảo về năng lực tài chính, khả năng quản lý, tính liên kết và tuân thủ thỏa thuận của các bên tham gia, đặc biệt là khả năng dự báo thị trường…

Với mong muốn cùng nông nghiệp Tây Nguyên và nông nghiệp Việt Nam phát triển an toàn, bền vững, Agribank cam kết dành nguồn lực và sẵn sàng đầu tư đối với những dự án, phương án liên kết sản xuất kinh doanh có tính khả thi, bền vững, đặc biệt là những dự án áp dụng công nghệ cao, quy trình tiên tiến. 

Agribank tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Nguyên, cụ thể:

 1.    Agribank chi nhánh Kon Tum cam kết cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng đối với Công ty Dược liệu và thực phẩm Măng đen để triển khai dự án Nhà máy chế biến sữa dê công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum;

2.    Agribank chi nhánh Gia Lai thỏa thuận tài trợ vốn thực hiện dự án nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh đối với Công ty Sinh học Minh Hoàng Gia Lai với số tiền 135 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG