Phát triển hàng không dân dụng sẽ giúp bảo vệ lãnh hải

Phát triển hàng không dân dụng sẽ giúp bảo vệ lãnh hải
TP - Việc hình thành thêm hãng hàng không mới sẽ tạo sự cạnh tranh giảm giá vé và tăng chất lượng phục vụ nhằm thu hút hành khách. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc ý kiến của Tiến sĩ Đoàn Văn Quảng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hàng không.
Phát triển hàng không dân dụng sẽ giúp bảo vệ lãnh hải ảnh 1
Việt Nam cần phát triển ngành hàng không dân dụng

Có thể nói bản đồ hoạt động của ngành HK trong nước hiện nay còn quá trống trải. Chỉ tính riêng việc chúng ta có một vùng biển rộng lớn gấp mấy lần đất liền, nơi đây những quyền lợi kinh tế và hoạt dộng kinh tế của hàng vạn ngư dân cần được bảo vệ, việc bảo vệ lãnh hải của chúng ta cũng không được giây phút lơ là.

Thử hỏi chúng ta làm sao kiểm soát được cả vùng lãnh thổ và lãnh hải rộng lớn như vậy nếu không phát triển ngành hàng không phủ kín bản đồ hoạt động hàng không. Có người lý luận rằng việc bảo vệ bầu trời là của Không quân Việt Nam.

Sau khi Tiền phong đăng bài “Từ cuộc đua lập hãng hàng không mới”, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, đa số đều ủng hộ chủ trương phát triển ngành hàng không dân dụng.

Thực ra, ngành HKDD trong lúc làm nhiệm vụ kinh tế phải kết hợp an ninh quốc phòng, tham gia tích cực vào việc bảo vệ bầu trời Tổ quốc, và thực tế trong nhiều năm qua, đã và đang làm được điều này.

Nếu khắp các miền Tổ quốc từ thành thị đến nông thôn và nơi thâm sơn cùng cốc đâu đâu cũng có tiếng máy bay hoạt động thì cuộc sống của đồng bào, nền kinh tế của xã hội và niềm tin của người dân sẽ tăng lên, điều đó có nghĩa là quốc phòng, an ninh sẽ được củng cố thắt chặt.

Một thực tế khác là nhiều ngành kinh tế cần sự phục vụ của Hàng không chưa được tổ chức. Đơn cử, làm sao để bảo đảm cho nông dân có thể  phòng trừ sâu bệnh và bón phân, kiểm soát tình trạng mùa màng, thuỷ lợi trên diện rộng nếu không có máy bay loại nhỏ.

Một nước không phải là nông nghiệp như Tiệp khắc mà khắp các vùng nông nghiệp đều có những trạm máy bay, nước Úc là nước dùng  máy bay nhiều nhất cho vùng nông thôn...

Với vùng lãnh hải rộng lớn của đất nước, việc liên lạc giữa đất liền với tàu bè đánh cá ngoài khơi, với các đảo xa như Hoàng Sa, Trường Sa, và ngay hàng ngàn đảo ở Vịnh Hạ Long và biết bao nhiêu đảo dọc bờ biển miền Trung và khu vực biển miền Nam hiện nay rất cần máy bay nhỏ phục vụ.

Nếu chúng ta có một đội máy bay phục vụ cho ngư nghiệp thì năng suất đánh bắt xa bờ sẽ lớn hơn nhiều trong việc tìm các luồng cá và kịp thời thông báo những tin bão khẩn cấp, thì chắc rằng không thể xảy ra đại nạn như trong cơn bão Chan Chu vừa qua.

Trong việc chuyên chở khách nội địa, ngành hàng không đã tổ chức  tốt việc vận chuyển hành khách trên các  tuyến Bắc - Nam và Hà Nội-Đà Nẵng - Sài Gòn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của  những khách đi tuyến lẻ ở các địa phương...

Bên cạnh đó, nếu chúng ta không nhanh chóng có kế hoạch xây dựng những đội bay quốc tế kể cả bay vận chuyển hành khách và hàng hóa thì chúng ta bị mất rất nhiều quyền lợi trong lĩnh vực hàng không ngay trong nước mình.

Từ cách đặt vấn đề trên, có thể nói việc tổ chức thêm các hãng Hàng không ngoài quốc doanh là phương hướng tốt  nhất cho việc phát triển ngành HKDDVN, vì :

a) Có nhiều hãng Hàng không có thể phân chia ra gánh bớt các nhu cầu hàng không trong nước, có thể phân chia ra bay các tuyến đường ngắn, bay dịch vụ, bay taxi, vận chuyển HK sẽ được thực hiện đến tận các vùng dân cư hẻo lánh, địa hình hiểm trở; trên các tuyến đường dài, bay quốc tế có nhiều hãng HK Việt Nam bay.

Giành thị phần vận chuyển hành khách và hàng hóa về cho Việt Nam và thực hiện đúng  các Hiệp nghị Hàng không với các nước. Có sự cạnh tranh sẽ làm cho dịch vụ hàng không tốt hơn và ngày càng rẻ hơn.

b) Huy động được vốn trong nhân dân và vốn từ nước ngoài đổ vào cho ngành HKDD, đỡ gánh nặng đầu tư cho ngành HK vốn phải tiêu tốn rất nhiều cho Nhà nước, để làm việc khác.

Việc phục vụ HK cho các ngành sẽ cho các hãng HK được tự do khai thác, Chính phủ chỉ có thu thuế. Các sân bay giá trị hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng sẽ được khai thác có lợi cho kinh tế chung thay vì lâu nay bỏ không lãng  phí.

c) Giành được thị phần ngày càng nhiều cho HKDD Việt Nam. Thị trường HK Việt Nam do chính Việt Nam khai thác... Khi Việt Nam bay nhiều, sẽ sử dụng được những cán bộ và người lái còn khả năng nhưng đã ra khỏi ngành HK và Không quân vì độ tuổi, vì chế độ phục vụ của Quân đội.

Cùng với việc triển khai nhiều hãng HK, các câu lạc bộ HK, các trường dạy lái máy bay và kiến thức hàng không sẽ được phát triển, lực lượng dự bị cho ngành HK và Không quân lớn  lên có lợi cho việc phát triển ngành HKDD và lực lượng dự bị cho Không quân.

Riêng việc phát triển ngành HKDD, số lao động cần thiết cho ngành này sẽ  không  nhỏ, nhất là lao động có kỹ thuật. Khoa cán bộ Kỹ thuật Hàng không trong Trường Đại học Bách khoa TPHCM chắc chắn sẽ phát triển, nhiều kỹ thuật viên kể cả chuyên gia hàng không người Việt Nam đang ở nước ngoài sẽ có điều kiện về nước tham gia vào việc phát  triển ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Chúng ta có quyền mơ tưởng trong tương lai không xa, máy bay HKDD Việt Nam sẽ có mặt trên khắp bầu trời thế giới, và bay đến tận hang cùng ngỏ hẽm của đất nước mến yêu.

Tiến sĩ Đoàn Văn Quảng
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hàng không

MỚI - NÓNG
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
TPO - Sáng 5/5, tại tỉnh Điện Biên, cùng với các khối diễu binh, diễu hành trên mặt đất, các biên đội trực thăng vũ trang của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tham gia chương trình tổng duyệt, trước khi bay trình diễn chính thức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 tới đây.