Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tỉnh lộ 229 là đường độc đạo vào trung tâm xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Vào mùa mưa, tuyến đường có rất nhiều ngầm tràn bị ngập nước khiến nơi đây bị cô lập. Để có thể đi lại trong mùa mưa lũ, người dân địa phương phải làm những cây cầu tạm qua các ngầm tràn, thế nhưng cầu tạm chỉ được vài ngày, lũ lại cuốn trôi…Ước mong về một con đường rộng rãi, an toàn hơn của người dân Tân Minh đã trở thành hiện thực khi tỉnh Lạng Sơn triển khai Dự án đường Trung Thành – Tân Minh, đấu nối đường tuần tra biên giới huyện Tràng Định với tổng vốn 80 tỷ đồng.
Đường Trung Thành - Tân Minh chỉ là 1 trong nhiều dự án mà tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Từ những dự án này, hiện tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa đạt hơn 90%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt trên 70%... Trong tổng số 170 công trình hạ tầng giao thông được triển khai trong năm 2021, có 110 công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác và bước đầu phát huy được hiệu quả cao, gần 70 công trình đang thi công theo tiến độ.
Tuyến cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn, huyết mạch nối giữa xứ Lạng với các tỉnh miền xuôi - Ảnh: PV |
Nỗ lực xây dựng huyết mạch giao thông
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 06/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc sở Giao thông- Vận tải (GTVT) tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong năm qua, cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả ngành GTVT, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh trước những khó khăn của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng kéo theo do bất ổn chính trị trên thế giới, cụ thể:
- Đối với Dự án thành phần 2 (Đoạn Hữu Nghị -Chi Lăng), đến nay dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tách Dự án thành phần 2 ra khỏi dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; UBND tỉnh đang chỉ đạo cơ quan liên quan triển khai lựa chọn nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án. Dự kiến đến hết năm hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Nỗ lực xây dựng các tuyến đường giao thông -Ảnh: PV |
Cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát công trình xây dựng hạ tầng giao thông -Ảnh: PV |
- Dự án Cải tạo nền, mặt đường và công trình đoạn Km8 - Km29 và Km40 - Km66, trên Quốc lộ 4A, tỉnh Lạng Sơn. Phần khối lượng điều chỉnh bổ sung đoạn Km43+800 – Km46+300 và đoạn Km46+600 - Km52+300: kết quả đến hết tháng 10/2022 đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công, đến nay đã thực hiện giải phóng mặt bằng bàn giao để thực hiện triển khai thi công 4,431/4,478Km đạt 99%; khối lượng thi công đạt được khoảng 35/55,6 tỷ đạt 63% giá trị hợp đồng (bao gồm cả chi phí dự phòng). Phấn đấu đến hết năm thi công hoàn thành dự án, giải ngân 100% theo kế hoạch đề ra.
Ngành GT-VT đã đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công 05 dự áncải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường kết nối khu công nghiệp từ nguồn vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư 382,761 tỷ đồng; Phối hợp với các Chủ đầu tư đẩy nhanh thi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như: Dự án cải tạo nâng cấp QL.4B (đoạn Km3+700 –Km18), Dự án Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn...góp phần nâng cao khả năng kết nối thuận lợi giữa tỉnh Lạng Sơn với các tỉnh trong khu vực, kết nối trung tâm tỉnh tới trung tâm các huyện, các khu, cụm công nghiệp, cửa khẩu, đường tuần tra biên giới, từng bước phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh. Trong 10 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khởi công 105 dự án/công trình giao thông (quy mô đường cấp xã trở lên), tổng mức đầu tư 825,8 tỷ đồng, làm mới được 68,0km mặt đường, cải tạo, nâng cấp 32km đường giao thông; số công trình thực hiện chuyển tiếp là 66 công trình, tổng mức đầu tư 8.221 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn vay nước ngoài, vốn TW và địa phương), làm được 40,0km mặt đường, nâng cấp, cải tạo được 45km đường giao thông; Cải tạo, xử lý 14 vị trí điểm đen trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh. Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công tác bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường cao tốc BG-LS, tuyến QL1 và 459,2km đường Quốc lộ bao gồm 06 tuyến qua địa bàn, 714,8km đường tỉnh và 112,5km đường tuần tra biên giới. Qua đó góp phần khôi phục lại tình trạng kỹ thuật của đường, duy trì và nâng cao khả năng khai thác của tuyến đường, đáp ứng nhu cầu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo ATGT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nỗ lực sữa chữa, khắc phục sự cố mưa lũ, sạt lở đất ở miền núi Lạng Sơn -Ảnh: PV |
Phát triển đường vành đai biên giới đang được tỉnh Lạng Sơn chú trọng thực hiện -Ảnh: PV |
Xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông tại khu vực biên giới, cửa khẩu -Ảnh: PV |
“Ngoài ra, phong trào làm đường GTNT trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng. Trong 10 tháng đầu năm 2022, xây dựng mặt đường BTXM được 258,1km, cung ứng xi măng được 18.367tấn; ngày công huy động được 105.140 công; huy động đóng tiền được 18.738,8 triệu đồng; Dự ước đến hết năm thực hiện được 350Km đường GTNT các loại, hoàn thành chỉ tiêu số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 168/181 xã (92,8%); số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 1.102,0/1.523,0 thôn tương đương 72,36%”, ông Dương Công Vĩ chia sẻ.
Phát triển hạ tầng giao thông toàn diện
Các công trình giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương và cả vùng Đông Bắc cũng được tỉnh Lạng Sơn hết sức chú trọng. Trước những "lùm xùm" gần đây xung quanh Dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần khẳng định “Không có chuyện địa phương này gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm chậm đến tiến độ triển khai Dự án". Và lời nói đi đôi với việc làm khi tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (gồm cả đoạn tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam); thực hiện giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng)…
Với quyết tâm hoàn thành tuyến cao tốc này trong năm 2023, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thể hiện quan điểm: Tuyến cao tốc này như mạch máu chính trong cơ thể con người, nó giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc liên kết giữa tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh, thành khác. Nếu đưa vào hoàn thành sử dụng thì sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách, cùng tạo nên sự phát triển chung không chỉ của riêng Lạng Sơn mà đó còn thủ đô Hà Nội, của các tỉnh nằm dọc theo con đường ấy.
Ông Dương Công Vĩ cho biết thêm: Các công trình giao thông trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đều được tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh, thu hút được các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là tạo điều đi lại kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa tỉnh Lạng Sơn với các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng… đóng góp trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa, từ đó phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Lạng Sơn đặt ra trong năm 2022 là đa dạng hóa các nguồn lực để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là phát huy hình thức đối tác công tư tại các vùng khó khăn. Lạng Sơn cũng xác định tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án có tính lan tỏa như: Dự án thành phần 2, thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B kết nối với quốc lộ 18; Đường kết nối huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) với huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)...
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chia sẻ: “Tỉnh Lạng Sơn đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là được quan tâm hàng đầu. Địa phương sẽ tập trung vào những dự án có tính chất kết nối liên vùng, tạo sự lan tỏa. Có thể kể đến như tuyến đường kết nối Khu Công nghiệp Hữu Lũng với Cảng Mỹ An (tỉnh Bắc Giang) có vai trò thúc đẩy thông thương hàng nông sản, nguyên vật liệu giữa tỉnh Lạng Sơn đi đến các khu vực trong và ngoài nước.
Như vậy, tại Khu Công nghiệp Hữu Lũng - khu vực trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ có 3 loại hình để vận chuyển hàng hóa là đường bộ, đường sắt và đường thủy... Tỉnh Lạng Sơn đang phấn đấu đến năm 2025 hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn sẽ cơ bản được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh.”
Với phương châm giao thông “đi trước một bước”, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh Lạng Sơn mà nó còn tạo luồng gió mới, tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông của địa phương này phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững. Việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ là cơ sở để Lạng Sơn "hóa giải" những khó khăn về địa lý, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế, đưa Lạng Sơn bứt phá trong những năm tiếp theo./.