Phát tài nhờ kinh doanh huyệt mộ

Phát tài nhờ kinh doanh huyệt mộ
TP- Đã từng có ý kiến cảnh báo từ trong lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế: Đến năm 2015, trên địa bàn sẽ không còn đất nghĩa trang, do tình trạng đua nhau mua bán, xí phần đất nghĩa trang - nghĩa địa và xây lăng mộ đồ sộ.

Trong thời buổi nhá nhem, nhiều người đã phất lên nhờ “kinh doanh” huyệt mộ. Quy hoạch nghĩa trang - nghĩa địa đã có, nhưng nhiều nơi vẫn trong cảnh “trên bảo dưới làm... thinh”.

Phát tài nhờ kinh doanh huyệt mộ ảnh 1
Tình trạng chôn cất xen ghép trong các rừng thông cảnh quan ở Huế vẫn đang phổ biến

Giàu to nhờ... “cò” mộ

Trong vai đi tìm đất chôn cất cho người già sắp qua đời, chúng tôi lên vùng nghĩa địa phía tây thành phố Huế (thuộc phường An Tây) tìm gặp anh Th, một “nậu” đất huyệt mộ có tiếng trong vùng, theo giới thiệu của người dân địa phương.

Gặp “mối” làm ăn tìm đến, anh Th. đi thẳng vào vấn đề không cần úp mở: “Đất huyệt mộ tui có nhiều miếng. Mua huyệt đôi hay huyệt lẻ, gần hay xa đường cái, tui đều sẵn sàng đáp ứng”.

Thấy khách vẫn còn ngờ ngợ, anh Th. tỏ vẻ săn đón: “Yên tâm đi, tui là thổ công ở đây nên bảo đảm cho anh từ A đến Z! Muốn xây lăng to, lăng nhỏ cứ thoải mái”.

Nói đoạn, Th. chỉ cho chúng tôi “quỹ” đất chôn cất mồ mả còn rất dồi dào được “ngụy trang” dưới vỏ bọc là những ngôi mộ gió nằm trên khu đồi thông phía xa xa.

Biết chừng chúng tôi chưa ưng ý, Th. rút di động gọi cho một “đầu nậu” khác có nhiều miếng đất huyệt “xịn” hơn. Người đàn ông tên H. xuất hiện chỉ sau 5 phút. Ông H. lập tức đưa chúng tôi ngược lên phía tây khu đồi theo đường nhựa, cách khu vực thuộc BQL nghĩa trang thành phố Huế quản lý chừng 2 cây số.

Từ đường nhựa băng qua mấy dãy thông xanh, trước mắt chúng tôi là mảnh đất nhỏ có hai ngôi mộ gió, xung quanh đã xây bốn chân tường bằng bờ lô tạm bợ.

Ông H. chào mời: “Đây là huyệt đôi, rộng hơn 30m2, giá 200 nghìn đồng/m2. Nếu cần mua đất huyệt có sổ đỏ, ngược lên khoảng 500 mét, nhưng giá 500 nghìn đồng/m2”.

Qua sự “tiếp thị” nhiệt tình của ông H., chúng tôi được biết quỹ đất huyệt mộ mà ông này “chào giá” hầu hết nằm xen trong những đồi thông đã nhiều năm tuổi. Vừa nhét điện thoại vào túi sau cuộc trò chuyện chớp nhoáng với một khách hàng ở tận Phú Vang, ông H. ve vãn: “Ở thành phố, giờ có được miếng đất như thế này để lo hậu sự cho người thân thật không gì tốt bằng. Diện tích như ý, muốn xây kiểu cách chi là tuỳ gia chủ”.

Ông H. khoe rằng, việc bán được vài ba huyệt mộ trong một tháng là chuyện thường, nhiều đại gia lắm tiền cũng tìm lên đây “săn” đất đẹp để dành lo hậu sự cho chính bản thân và gia đình họ về sau này. Vì lẽ đó, nghề “cò” bán đất mai táng, thầu xây lăng mộ đang tạo nên mối lợi lớn cho không ít người trong vùng.

Chỉ tay về phía khu đất núi đã được xây hàng rào, ông H. tiết lộ: “Miếng đất đó rộng 50m2, giá 10 triệu đồng, do ông chủ cửa hàng nội thất S. nổi tiếng ở Huế “đặt chỗ” cách đây chưa lâu”. Ông H. bỗng sực nhớ: “Mà miếng đó có nhằm nhò chi, gần đây còn có một khu lăng mộ của dòng họ T ở Phú Vang rộng gần 0,3 ha, cũng do tui giới thiệu chứ ai, chừ họ đã xây một “biệt thự lăng” nghe đâu hết hơn 3,2 tỷ đồng”.

Cạnh nơi chúng tôi đang đứng là một “biệt thự” lăng khác nhưng có giá trị đầu tư khiêm tốn hơn, chỉ với trên 800 triệu đồng (chưa kể tiền mua 700m2 đất xây lăng).

Trước khi chia tay ông H., tôi đùa: “Nghề như anh hiện nay xem ra dễ hốt bạc nhỉ!”. Ông H. vội phân trần: “Dễ chi mình tui ôm trọn khoản lợi này, phải qua tay ba, tay bốn! Rồi đủ các thứ chi phí khác nữa các anh ạ”.

Diện tích đất nghĩa trang = đất giao thông + thủy lợi

Tình trạng lãng phí đất đai cho xây dựng lăng mộ ở thành phố Huế so với nhiều địa phương khác như Vinh An (Phú Vang), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Mỹ (Phú Lộc)... chẳng thấm vào đâu.

Theo Quyết định 1700/QĐ-UB, toàn tỉnh sẽ quy hoạch khoảng 150 ha đất để phục vụ nhu cầu mai táng. Trong đó, quy định chỉ tiêu đất nghĩa trang dành cho mỗi mộ hung táng tối đa không quá 5 m2; mộ cát táng tối đa không quá 3 m2.

Song song với việc quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, chính quyền sẽ tiến hành di dời khoảng 140.000 ngôi mộ trong hai khu đô thị Huế và Chân Mây - Lăng Cô. Việc quy hoạch nghĩa trang phải tuân thủ các quy định chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư  nông thôn...

Tại một số xã thuộc huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, đất nghĩa trang chiếm đến 1/3 tổng diện tích đất tự nhiên và gần 70% đất nông nghiệp. Ở xã Vinh Mỹ, diện tích đất nghĩa địa chiếm gần hai lần đất ở của người dân đang sinh sống, gần 2 lần đất sản xuất nông nghiệp và bằng 1/4 tổng diện tích đất tự nhiên.

Theo thống kê các loại đất toàn tỉnh đầu năm 2008, đất nghĩa trang, nghĩa địa chiếm hơn 8.200 ha, bằng 1,62% đất tự nhiên. Diện tích này tương đương với diện tích đất giao thông (5.900 ha) và đất thủy lợi (hơn 3.600 ha) cộng lại và bằng 15,7% đất nông nghiệp.

Mỗi năm toàn tỉnh mất khoảng 40ha đất để xây lăng mộ. Việc xây dựng lăng mộ ở Thừa Thiên-Huế co quy mô đồ sộ nhất nhì cả nước. Đơn cử ở làng An Bằng (xã Vinh An), trung bình mỗi ngôi mộ có diện tích từ 35-100 m2. Không ít ngôi mộ đã “vượt rào” bao chiếm phần đất còn rộng hơn cả một khu nhà vườn Huế, từ 500-1.000 m2, trị giá xây dựng lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Trước tình trạng lộn xộn kéo dài trong quản lý, sử dụng đất nghĩa trang và xây dựng lăng mộ, cuối tháng 7/2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định số 1700/QĐ-UB về “Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Ngày 19/9, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng công bố quy hoạch. Trong cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - nhận định: Sắp tới sẽ có hàng loạt nghĩa địa phải di dời, đồng nghĩa với việc cất bốc hàng trăm nghìn ngôi mộ tại các địa phương.

Đây là vấn đề rất phức tạp khó khăn, nhưng không thể không làm. Do vậy để thành công, ngoài những điều kiện khách quan, rất cần sự nỗ lực của chính quyền cấp cơ sở.

MỚI - NÓNG