Nhóm công nhân khai thác dầu tình cờ tìm thấy dấu vết voi ma mút khi đang làm việc khu vực cách thị trấn Nyagan, thuộc khu Khanty-Mansi của Nga, khoảng 50 km. Họ bắt đầu đào bằng xẻng và phát hiện hai ngà voi, xương chày, xương sườn và một số mảnh răng ở độ sâu ba mét.
Theo chuyên gia bảo tàng hóa thạch học Anton Rezvy, đây là một con voi cái, chết khi khoảng 30-40 tuổi và sống cách đây ít nhất 10.000 năm.
"Chúng tôi có thể gửi phát hiện này đi kiểm tra bằng carbon phóng xạ. Phân tích gene sẽ giúp xác định con voi ma mút này đến từ châu Âu hay Bắc Mỹ", Siberian Times hôm 30/3 dẫn lời Rezvy nói.
Hãng Sputnik cho biết các chuyên gia dự định nghiên cứu nguyên nhân khiến voi ma mút biến mất ở khu vực này, đồng thời tìm ra nguồn gốc của chúng. Trong khi đó, nhóm công nhân dầu mỏ đang lựa chọn một cái tên cho voi ma mút.
Giới khoa học tin rằng voi ma mút tuyệt chủng từ hơn 10.000 năm trước, song một số con voi vẫn sống tới tận năm 1.650 trước Công nguyên.